'Trump 2.0' hay 'Biden 2.0': Góc nhìn từ mặt trận kinh tế
Trận “tái đấu” giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang ngày một gay cấn. Nhất là sau màn tranh luận thắng thế của ông Trump gần đây khiến “hướng gió” bất ngờ đảo chiều theo hướng có lợi cho vị cựu Tổng thống.
Trong màn tranh luận và cả những tuyên bố tranh cử, dễ thấy mặt trận kinh tế là chủ đề trọng tâm được cả ông Trump và ông Biden quan tâm.
Cả hai đều đã có một nhiệm kỳ điều hành Nhà Trắng, với những thành tựu và cả điểm yếu được thể hiện rõ ràng qua bức tranh GDP, lạm phát, thương mại, thị trường chứng khoán, việc làm và tiền lương…
Mặc dù có nhiều quan điểm đối lập, nét chung của nền kinh tế Mỹ dưới thời cả hai là thị trường chứng khoán thăng hoa, chiến tranh thương mại với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng do động thái tăng thuế nhập khẩu, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, thâm hụt ngân sách lớn…
Giờ đây, những chính sách kinh tế mà ông Trump và ông Biden cam kết theo đuổi một khi có thêm nhiệm kỳ mới tại Nhà Trắng đang được dư luận đặt lên bàn cân.
Chính sách thuế quan và vấn đề chiến tranh thương mại
Kế hoạch của ông Trump
Với những phát ngôn gần đây, dễ thấy cựu Tổng thống Donald Trump dự định sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà ông đã bắt đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên. Thời điểm đó, ông Trump đã áp thuế quan lên 1/10 hàng nhập khẩu của Mỹ, chủ yếu là các sản phẩm như thép, máy giặt, tấm pin mặt trời và nhiều hàng hóa khác từ Trung Quốc.
Một nghiên cứu của tổ chức Tax Foundation cho thấy về lâu dài, việc đánh thuế 80 tỷ USD sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,21% và mất 166.000 việc làm.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Trump tuyên bố sẽ đánh 10% thuế quan lên tất cả hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ công nhân sản xuất Mỹ và thu hẹp thâm hụt thương mại.
Kế hoạch của ông Biden
Tiếp quản nền kinh tế từ người tiền nhiệm, ông Biden trong suốt nhiệm kỳ của mình vẫn duy trì phần lớn các khoản thuế quan thời ông Trump. Gần đây, ông Biden cũng áp dụng tăng thuế theo mục tiêu, chẳng hạn như đánh thuế 100% lên xe điện và tấm pin mặt trời của Trung Quốc.
Theo Moody's, ông Biden có thể sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế quan có mục tiêu như vậy để giúp các công ty Mỹ cạnh tranh với các công ty Trung Quốc được trợ cấp bởi Bắc Kinh.
So sánh tác động
Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody's, cho biết tác động của chính sách thuế quan mà ông Biden áp dụng đối với nền kinh tế nói chung sẽ rất nhỏ.
Trong khi đó, theo ước tính của Moody's, khi các doanh nghiệp chuyển chi phí tăng lên do thuế quan cao lên vai người tiêu dùng, thì chính sách áp thuế rộng rãi của ông Trump có nguy cơ sẽ đẩy lạm phát hàng năm (hiện ở mức 3,3%) tăng thêm gần 0,75% vào năm 2025 và 1% vào năm 2026. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình cũng như hàng nghìn nhà sản xuất Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu để sản xuất hàng hóa.
Moody's cũng nhận định việc đánh thuế sẽ không giúp giảm đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ như mong đợi. Bởi việc giảm nhập khẩu và gây ra lạm phát, lãi suất cao hơn sẽ khiến đồng USD tăng giá. Điều này khiến hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các công ty nước ngoài. Hậu quả là các nhà sản xuất và công nhân Mỹ bị ảnh hưởng và thâm hụt thương mại gia tăng.
Ông Michael Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), nhận định: "Tôi cho rằng điều này sẽ bất lợi cho người lao động và người tiêu dùng."
Theo ước tính của Moody's, đến năm 2028, chính sách tăng thuế nhập khẩu của ông Trump có nguy cơ khiến Mỹ mất 2,1 triệu việc làm và nền kinh tế giảm tốc 1,7%. Điều này chưa tính đến khả năng các nước khác sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng xuất khẩu của Mỹ, gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế và việc làm.
Chính sách thuế trong nước
Kế hoạch của ông Trump
Ông Trump có thể cùng với đảng Cộng hòa thúc đẩy việc gia hạn các chính sách cắt giảm thuế dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Khi còn điều hành Nhà Trắng, ông đã ban hành Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm năm 2017, thiết lập mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21%. Mặc dù chưa công bố kế hoạch thuế chi tiết, vị cựu Tổng thống tỏ ra kiên định với lập trường này trong cuộc tranh cử hiện tại.
Thâm hụt ngân sách do mức thuế thấp trong nước dự kiến sẽ được bù đắp một phần bởi các mức thuế quan cao mà ông Trump dự kiến đưa ra đánh vào hàng hóa xuất khẩu. Dù vậy, nghiên cứu của Moody’s chỉ ra rằng kịch bản này vẫn có khả năng làm tăng nợ quốc gia của Mỹ lên đến 34 nghìn tỷ USD, đẩy các lãi suất dài hạn như lãi suất cho vay mua nhà đi lên.
Ủy ban Ngân sách Liên bang thì ước tính các chính sách cắt giảm thuế của ông Trump nếu được gia hạn có thể sẽ làm ngân sách hụt thu 5,2 nghìn tỷ USD đến năm 2035.
Kế hoạch của ông Biden
Khác với ông Trump, ông Biden quan điểm sẽ gia hạn mức giảm thuế thu nhập cá nhân chỉ dành cho những cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD mỗi năm. Điều này sẽ giúp ngân sách liên bang đỡ thâm hụt hơn so với kế hoạch giảm thuế rộng rãi của ông Trump, cùng đó cũng sẽ giúp kiềm chế lạm phát dài hạn cho nước Mỹ. Các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng có khả năng tiêu dùng hơn là tiết kiệm số tiền thuế được giảm, qua đó kích thích nền kinh tế hiệu quả hơn.
Về phía doanh nghiệp, thay vì hướng tới giảm thuế như đối thủ Donald Trump, ông Biden muốn tăng thuế suất cho các công ty từ 21% lên 28%, mặc dù ý tưởng này có lẽ sẽ không có đủ phiếu ủng hộ tại Quốc hội, theo ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody's.
So sánh tác động
Các nghiên cứu kinh tế độc lập đã đưa ra những dự báo trái chiều về việc liệu các mức giảm thuế thời gian qua có giúp thúc đẩy đầu tư kinh doanh hơn hay không.
Nhưng theo ông Mark Zandi, mặc dù một động thái gia hạn các mức giảm thuế như ông Trump đề xuất có thể kích thích đầu tư và đưa tăng trưởng kinh tế lên mức cao hơn, tác động của nó sẽ bị hạn chế vì thị trường lao động Mỹ hiện đang chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp khá thấp, các công ty đang tỏ ra khó khăn trong tìm kiếm lao động.
Kết quả là, các mức giảm thuế sẽ tiếp tục đẩy lạm phát lên cao hơn, điều mà Cục Dự trữ Liên bang đang cố gắng kiềm chế. Một viễn cảnh như vậy có thể sẽ buộc Fed phải tăng lại lãi suất hoặc duy trì mặt bằng lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Động thái như vậy sẽ làm tăng chi phí lãi vay của các công ty và thổi bay phần nào những lợi ích mà các công ty nhận được từ các mức giảm thuế.
Không chỉ vậy, thâm hụt ngân sách lớn hơn và lãi suất cao hơn sẽ làm dấy lên nỗi lo ngại trên thị trường tài chính. Và như thế rất có thể gia hạn giảm thuế rồi sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế bất chấp tác động tích cực ban đầu của nó là kích thích đầu tư kinh doanh, làm tăng biên lãi của doanh nghiệp, kích thích tăng cường tuyển dụng và thúc đẩy thị trường lao động; theo Moody's.
Ở một góc nhìn khác, ông Scott Lincicome, chuyên gia phân tích từ Viện Cato Institute ủng hộ kế hoạch của ông Trump khi cho rằng giảm thuế là cách hiệu quả nhất để khuyến khích đầu tư kinh doanh. Ông kỳ vọng động thái này có thể làm tăng năng suất và thúc đẩy các công ty đặt trụ sở tại Mỹ thay vì nước ngoài. Dù vậy, ông Scott cũng đồng ý rằng biện pháp gia hạn giảm thuế như vậy có khả năng sẽ kích thích lạm phát lên mức cao hơn.
Chính sách xoay quanh Đạo luật Giảm lạm phát
Kế hoạch của ông Biden
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) là một trong những đạo luật mới được Tổng thống Joe Biden ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nước, cải thiện cơ sở hạ tầng của nước Mỹ và mở đường cho năng lượng sạch để giải quyết biến đổi khí hậu.
Kế hoạch của ông Trump
Theo Moody's, cựu Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tập trung vào việc loại bỏ các điều khoản về năng lượng sạch trong Đạo luật Giảm lạm phát. Điều luật này hiện đang có điều khoản cung cấp các khoản tài trợ và trợ cấp để khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, xe điện và các dự án năng lượng tái tạo khác.
So sánh tác động
Theo Moody's, việc hủy bỏ kế hoạch thúc đẩy phát triển năng lượng sạch trị giá 369 tỷ USD trong Đạo luật này sẽ không giúp giảm thâm hụt ngân sách đáng kể. Moody's ước tính việc hủy bỏ kế hoạch này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm hơn 0,5 điểm phần trăm và tăng trưởng việc làm ít 450.000 công việc vào năm 2026.
Dù vậy, các nhà phân tích Scott Lincicome và Edwards từ Viện Cato Institute lại ủng hộ việc loại bỏ các biện pháp thúc đẩy phát triển năng lượng sạch vì cho rằng chúng sẽ bóp méo thị trường tư nhân mà vốn không thể tồn tại nếu không có trợ cấp của liên bang. Thay vào đó, nhóm này ủng hộ các biện pháp giảm thuế để thúc đẩy sản xuất năng lượng xanh.