Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất chủ chốt lần thứ hai trong năm nay

H. Thủy 11:30 | 15/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 15/8 đã bất ngờ cắt giảm lãi suất chính lần thứ hai trong năm nay, đồng thời rút một số lượng tiền mặt khỏi hệ thống ngân hàng như một phần nỗ lực phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng từ COVID-19.

Trong thông báo mới nhất, PBoC cho biết họ sẽ giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay cơ sở trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm trị giá 400 tỷ NDT (59,33 tỷ USD) của một số tổ chức tài chính. Đồng thời, PBoC cũng cắt giảm chi phí đi vay với biên độ tương tự, từ 2,1% xuống còn 2%.

Trước đó vào tháng 1/2022, PBoC đã điều chỉnh giảm cả hai tỷ lệ lãi suất trên khoảng 10 điểm cơ bản.

Động thái trên trái ngược với dự kiến thị trường. Trong một cuộc thăm dò ý kiến 32 nhà quan sát vào tuần trước của hãng tin Reuters, tất cả những người tham gia đều dự đoán lãi suất MLF sẽ không thay đổi.

Các nhà kinh tế và nhà phân tích tin rằng giới chức Trung Quốc muốn hỗ trợ nền kinh tế trì trệ bằng cách cho phép mở rộng sự khác biệt chính sách với các nền kinh tế lớn khác – những nước đang tăng mạnh lãi suất.

Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho biết quyết định hạ lãi suất MLF của Trung Quốc khiến ông bất ngờ. Theo đánh giá của chuyên gia này, đó hẳn là một động thái phản ứng với các số liệu tín dụng khá yếu được công bố hôm 12/8. Chính phủ Trung Quốc vẫn thận trọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế và sẽ không dễ dàng để tình hình vượt tầm kiểm soát.

PBoC cho hay động thái của họ nhằm "giữ thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào ở mức hợp lý". Và với các khoản vay MLF trị giá 600 tỷ NDT đáo hạn, động thái của PBoC cũng đã dẫn đến việc rút tiền ròng 200 tỷ NDT.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý II/2022, PBoC nhắc lại rằng họ sẽ đẩy mạnh thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giữ thanh khoản dồi dào ở mức hợp lý, đồng thời theo dõi chặt chẽ những thay đổi về lạm phát ở trong và ngoài nước.

Ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại ngân hàng Mizuho, đánh giá bất chấp cảnh báo về rủi ro lạm phát và tình trạng thanh khoản không ổn định, rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế do dịch COVID-19 và biến động trong lĩnh vực bất động sản đã khiến PBoC phải cắt giảm lãi suất để kích cầu.