Trung Quốc: Hoạt động cho vay của ngành ngân hàng năm 2023 đạt mức kỷ lục

Minh Hằng/Theo Reuters/TTXVN 11:28 | 16/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) mới đây công bố dữ liệu cho thấy hoạt động cho vay của ngành ngân hàng nước này trong tháng 12/2023 ít hơn dự kiến.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Ảnh: Reuters

Song tính cả năm 2023 thì ghi nhận mức kỷ lục mới trong bối cảnh PBoC duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

PBoC cho biết các khoản vay mới bằng đồng NDT của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng 1.170 tỷ NDT (163,31 tỷ USD) trong tháng 12/2023, tăng so với mức của tháng 11 nhưng không như dự báo tăng lên mức 1.400 tỷ NDT mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra.

Tính chung cả năm 2023, các khoản cho vay của ngành ngân hàng đạt kỷ lục 22.750 tỷ NDT, gần tương đương với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh và tăng 6,8% so với mức 21.310 tỷ NDT trong năm 2022, mức kỷ lục trước đó.

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng, sau sự phục hồi ngắn ngủi và đáng thất vọng sau đại dịch COVID-19. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn yếu, trong khi chính quyền trong nước phải vật lộn với các khoản nợ khổng lồ và cuộc khủng hoảng ngành bất động sản kéo dài tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực xây dựng và đầu tư.

Do nhu cầu yếu kém, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với sức ép giảm phát kéo dài trong năm 2024, khiến nhiều người kỳ vọng vào các biện pháp nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng.

Quan chức của PBoC Zong Liang cho biết chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng khi nền kinh tế phải đối mặt với áp lực giảm phát. Lãi suất nên được hạ xuống một cách hợp lý vì lãi suất thực tế tương đối cao.

Các dữ liệu khác do Trung Quốc công bố ngày 12/1 đã củng cố quan điểm về sự phục hồi kinh tế không đồng đều, trong đó xuất khẩu tăng lên nhưng sức ép giảm phát vẫn còn trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu.

Trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ tháng 12, cùng với GDP quý IV/2023, điều này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư manh mối về việc liệu nền kinh tế có thể lấy lại động lực vào năm 2024 hay sẽ cần hỗ trợ thêm.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức mục tiêu chính thức khoảng 5% trong năm 2023 và chính phủ dự kiến sẽ bám sát mục tiêu đó trong năm nay.

Các nhà phân tích dự báo PBoC sẽ sớm công bố các bước nới lỏng mới để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh lo ngại về áp lực giảm phát và câu hỏi về việc mất bao lâu để thị trường nhà ở chạm đáy.

PBoC dự kiến sẽ tăng cường bơm thanh khoản và cắt giảm lãi suất chủ chốt khi triển khai các khoản vay chính sách trung hạn đáo hạn ngày 15/1, trong bối cảnh các nhà chức trách cố gắng đưa nền kinh tế đang lung lay vững chắc trở lại.

Tuy nhiên, PBoC phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi nguồn vốn chảy vào sản xuất nhiều hơn là vào tiêu dùng, điều này có thể làm tăng thêm áp lực giảm phát và làm giảm hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ.

Trong năm 2023, các khoản cho vay hộ gia đình đạt tổng cộng 4.330 tỷ NDT, tương đương gần 20% tổng số khoản vay mới, trong khi các khoản cho vay doanh nghiệp lên tới 17.910 tỷ NDT.

Dư nợ cho vay bằng đồng NDT đã tăng 10,6% trong tháng 12/2023 so với một năm trước đó, chạm mức thấp nhất trong hơn 20 năm, so với mức 10,8% trong tháng 11/2023.