Các ngân hàng Trung Quốc có thể đang chứa đầy nợ xấu
Trường hợp khó hiểu của ngân hàng Jinzhou
Vào đầu năm 2023, ngân hàng Jinzhou ở Trung Quốc đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu bất ổn. Khi đó, truyền thông nhà nước cho rằng người đứng đằng sau những rắc rối của Jinzhou có thể là tỷ phú Lý Hà Quân (Li Hejun).
Ông Lý là tài phiệt trong lĩnh vực kinh doanh tấm pin mặt trời và từng giữ ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc. Công ty của ông được biết là có mối quan hệ chặt chẽ với Jinzhou. Không lâu sau khi có tin đồn ông Lý bị bắt, Jinzhou đình chỉ giao dịch cổ phiếu và thông báo với các nhà đầu tư rằng ngân hàng sẽ cơ cấu lại hoạt động.
Điều kỳ lạ là trước đó tài chính của Jinzhou có vẻ vẫn đang ở trong trạng thái tốt. Nợ xấu của Jinzhou ở mức thấp trong nửa đầu năm 2022 - giai đoạn cuối cùng ngân hàng công bố thông tin chi tiết. Dữ liệu đáng chú ý nhất là hơn 50% các khoản cho vay kinh doanh cá nhân của Jinzhou đã trở thành nợ xấu. Tuy nhiên, loại khoản vay này chỉ chiếm 1% tổng các khoản cho vay của ngân hàng.
Trong khi đó, các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại chiếm khoảng một nửa các khoản cho vay của ngân hàng. Và chỉ 3% trong số đó là nợ xấu.
Nhưng liệu đây có phải toàn bộ câu chuyện? Ông Jason Bedford, một nhà phân tích ngân hàng kỳ cựu, cho biết trên lý thuyết thì giữa khoản vay kinh doanh cá nhân và khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có sự khác biệt đáng kể. Hai loại nợ vay này được sử dụng như nhau và do đó cũng có rủi ro tương tự.
Song, trên thực tế, giữa hai loại có sự khác biệt quan trọng: khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang được bảo vệ bởi các chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh trong đại dịch. Do đó, các ngân hàng không cần phải ghi nhận chúng là nợ xấu. Do đó, rất có thể một phần lớn các khoản vay của Jinzhou là nợ xấu không được thừa nhận.
Nếu những khoản nợ xấu tiềm ẩn như vậy giấu mình trong ngân hàng Jinzhou, chúng cũng có thể đang ẩn náu ở nơi khác. Đây là một viễn cảnh đáng ngại, bởi tình hình tài chính của Trung Quốc vốn đã gặp phải nhiều vấn đề.
Chính quyền nhiều địa phương đang phải vật lộn để hoàn trả các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán, với giá trị ít nhất 65.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 9.000 tỷ USD).
Nhiều nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài và nợ khách hàng những ngôi nhà chưa xây trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ. Các công ty quản lý tài sản lớn nhất đất nước cũng bắt đầu lỡ kỳ hạn thanh toán cho nhà đầu tư.
Cho đến nay, những kiểu nợ ẩn như trên vẫn chưa thu hút được sự chú ý lớn. Tuy nhiên, rắc rối của Jinzhou sẽ là lời cảnh báo đáng ngại đến Bắc Kinh.
Canh bạc lớn
Khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu phát sinh vấn đề khi COVID-19 ập đến. Khi nền kinh tế Trung Quốc đóng cửa vào tháng 1/2020, ngân hàng trung ương nước này đã cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hoãn thanh toán nợ vay cho đến tháng 6 năm đó nhằm ngăn làn sóng vỡ nợ.
Chưa đầy ba tháng sau khi chính sách này được áp dụng, các quan chức ước tính rằng doanh nghiệp đã được hoãn thanh toán khoảng 700 tỷ nhân dân tệ.
Kể từ đó, chính sách này đã được gia hạn vài lần. Tờ Economist cho biết hiện không có ước tính nào về tổng số khoản vay chưa thanh toán và đến năm sau các ngân hàng mới phải tiết lộ chúng.
Chính sách hoãn thanh toán nợ của ngân hàng trung ương Trung Quốc được áp dụng cùng với một chương trình khác của chính phủ. Để kích thích nền kinh tế, Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng mở rộng khoản vay cho các công ty nhỏ nhất, với mức lãi suất thấp nhất có thể.
Kết quả là, vào đầu năm 2023, khoảng 28% khoản vay tại Trung Quốc là của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cao hơn rõ rệt so với mức 24% vào cuối năm 2019.
Ai cũng biết rằng doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn lớn trong đại dịch. Dẫu vậy, nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero của ngân hàng Natixis chỉ ra rằng nợ xấu của Trung Quốc gần như không tăng lên.
Một hậu quả tiềm tàng khác là tài sản bị định giá sai. Doanh nghiệp nhỏ thường được coi là có rủi ro lớn nhất, nhưng các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn được hưởng mức lãi suất siêu thấp - trung bình khoảng 4% mỗi năm. Tệ hơn, gần đây biên lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp bởi sự tăng vọt của các khoản tiền gửi kỳ hạn dài.
Có thể Bắc Kinh kỳ vọng rằng áp dụng chính sách hoãn thanh toán nợ trong ngắn hạn sẽ cho phép các doanh nghiệp hồi phục sau cú sốc kinh tế. Quyết định đó có thể đã cứu hàng chục nghìn doanh nghiệp và vài ngân hàng khỏi cảnh phá sản.
Giờ đây, số phận của số nợ xấu tiềm ẩn đó - dù chúng lớn đến đâu - phụ thuộc vào hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc trong vài tháng tới.
Chỉ số PMI sản xuất cho thấy triển vọng của các công ty lớn đã được cải thiện chút ít trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, PMI của các công ty vừa và nhỏ vẫn tiếp tục đi xuống. Rắc rối kinh tế từ thời COVID vẫn đang đeo bám Trung Quốc và có thể sắp trở nên dữ dội hơn.
Diễn đàn năm nay với chủ đề Theo Dấu Dòng Tiền quy tụ hơn 350 khách tham dự bao gồm giới chuyên gia cao cấp, CIO, CEO, CFO đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, công ty công nghệ cung cấp dữ liệu, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn kiểm toán và những nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Forum) là sự kiện thường niên do VietnamBiz phối hợp cùng CLB Giám đốc tài chính (CFO Vietnam) và các đối tác tổ chức.
Diễn đàn hứa hẹn sẽ thiết lập không gian để các thành viên trên thị trường có cơ hội kết nối, chia sẻ về các xu hướng mới, các cơ hội đầu tư, những thông tin, góc nhìn có giá trị cao, mở ra nhiều ý tưởng phù hợp cho giai đoạn mới.
Thông tin chi tiết về Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 tại đây .