TS. Nguyễn Đình Cung: Kinh tế thị trường không có kiểu thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch

12:07 | 13/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trình bày những điểm nổi bật của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2020 – 2030, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Kinh tế thị trường không có kiểu thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch.

Điểm nghẽn về tư duy

 

Tại “Toạ đàm 5 năm tới: Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trọng tài viên VIAC đã trình bày những điểm nổi bật của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2020 – 2030.
 
 
TS. Nguyễn Đình Cung: Kinh tế thị trường không có kiểu thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch - ảnh 1
TS Nguyễn Đình Cung: Thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch là di sản của bao cấp, phải loại bỏ
 
Theo ông Cung, dự thảo Chiến lược 2020 – 2030 có 3 đột phá chiến lược gồm: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Dù đã được thảo luận kĩ nhưng việc xác định cần bao nhiêu đột phá cho 10 năm tới vẫn là một vấn đề để ngỏ.
 
“Có người nói chỉ cần 1 đột phá thôi, đó là đột phá về tư duy, vì tư duy của ta hiện nay có nhiều ràng buộc, chưa đủ mở để chấp nhận đầy đủ kinh tế thị trường. Và nếu còn tư duy này thì việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường của nước ta sẽ không dứt khoát, không triệt để và không thực chất”, ông Cung nói.
 
Chia sẻ cụ thể hơn về đột phá thể chế, ông Cung cho biết khác với trước đây - trọng tâm của đột phá thể chế là việc cải cách thủ tục tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh - lần này, đột phá thể chế nhấn mạnh vào phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ…
 
“Nguồn lực của nhà nước cần phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường, tức là hiệu quả của dự án sẽ quyết định mức độ phân bổ của nguồn lực. Hiện nay, việc phân bổ nguồn lực đang là điểm nghẽn của cải cách, vì thể chế phân bổ nguồn lực đang rất sai lệch, nặng về xin - cho và thân hữu.
 
“Chính sự phân bổ sai lệch này đã dẫn tới nền kinh tế kém về hiệu quả và yếu về năng lực cạnh tranh. Nếu ta lật ngược được cơ chế phân bổ này thì tôi cho rằng hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được nâng cao, qua đó nền kinh tế đạt được tăng trưởng cao. Dù vậy, phải nói rằng việc này là cực kì khó”, ông Cung cho biết.
 
Nói về các giải pháp tạo ra đột phá thể chế, vị chuyên gia thuộc Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng những điều quan trọng vẫn là: mở rộng quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ những rào cản, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, chuyển mạnh hơn sang cơ chế hậu kiểm.
 
Theo ông Cung, hậu kiểm không có nghĩa là doanh nghiệp cứ làm trước rồi nhà nước kiểm tra sau mà là nhà nước chuyển sang quản lý theo rủi ro và theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Còn mở rộng quyền tự do kinh doanh là không chỉ cho doanh nghiệp được tự do làm cái gì mà còn được tự do làm như thế nào.
 
“Lâu nay, ta vẫn nhấn mạnh doanh nghiệp phải làm theo quy định. Điều này tạo ra cản trở lớn và rất rủi ro cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải được tự do làm theo cách của mình. Nếu mở được chỗ này, không gian tự do sẽ rất lớn và đảm bảo được sự an toàn trong kinh doanh. Vì nếu doanh nghiệp phải làm theo quy định thì cứ không quy định là doanh nghiệp không được làm, mà làm khác quy định thì có nguy cơ làm sai, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc ‘vào lò’ như chơi”, ông Cung bình luận.
 
Minh họa cho việc mở rộng quyền tự do kinh doanh này, ông Cung lấy dẫn chứng về cơ chế thanh tra. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì cơ chế thanh tra theo kế hoạch. Ông Cung cho rằng điều này không đúng.
 
“Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, anh đưa họ vào kế hoạch thanh tra, như thế là đầy rủi ro cho doanh nghiệp. Ta phải thay đổi, trong kinh tế thị trường không có chuyện thanh tra như thế. Bởi nếu lợi ích bị vi phạm, đã có trọng tài, có tòa án, sao lại có một ông vào thanh tra xem tôi có tuân thủ pháp luật không.
 
“Tôi cho rằng thanh tra theo kế hoạch là di sản của kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, ta phải bỏ nó đi. Có như vậy thì hệ thống giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan mới thực sự là dân sự, là kinh tế chứ không phải hành chính như hiện nay”, ông Cung nói.
 
Về tư duy quản lý nhà nước, ông Cung cũng cho rằng khái niệm này nên bỏ đi, vì đây là di sản của thời kì quan liêu, bao cấp. “Đã là quản lý tức là phải theo thứ bậc, nhà nước ở trên, doanh nghiệp và người dân đứng dưới, đã là quản lý thì nhà nước phải biết người dân, doanh nghiệp đang làm thế nào, nhưng kinh tế thị trường đâu có thế”.
 
“Ở kinh tế thị trường, nhà nước can thiệp rất ít mà để thị trường tự giải quyết. Đây là điểm nghẽn về tư duy hiện nay, ta phải giải quyết”, ông nói thêm.
 

Yếu tố nền tảng phải được thiết lập

 

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam về câu hỏi hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn tới cần tập trung theo hướng nào, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, không nên tách riêng mà nên gộp Nghị quyết 35/NQ-CP với Nghị quyết 19/NQ-CP hay sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP để có một nghị quyết chung về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn tới khi rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì "cú sốc" COVID-19. Theo đó, những yếu tố nền tảng phải được thiết lập để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
 
 
TS. Nguyễn Đình Cung: Kinh tế thị trường không có kiểu thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch - ảnh 2
Ảnh minh họa

Những yếu tố nền tảng, theo ông Cung, là tự do và an toàn trong kinh doanh.
 
“Chúng ta mới cho phép người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm mà chưa cho phép người dân và doanh nghiệp được tự do làm như thế nào. Rất nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã chết vì không được tự do sáng tạo, bị kìm hãm bởi rào cản làm thế nào. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng chết còn hơn sống vì suốt ngày phải chịu cảnh nay thanh tra, mai kiểm tra", ông Cung nói.
 
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, tự do phải gắn với an toàn. Hiện nay, doanh nghiệp không có công cụ để tự bảo vệ mình, không có toà án đúng nghĩa dành cho họ, tất cả các cơ quan quản lý dường như đều đang "xỉa" doanh nghiệp khiến doanh nghiệp uể oải, không thể lớn và không muốn lớn.
 
So sánh tinh thần doanh nghiệp hiện nay với những năm 2000-2005 mới thấy, tinh thần doanh nghiệp hiện giờ đang giảm sút rất nhiều. Các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, không còn hào hứng với công việc của hiệp hội.
 
“Chúng ta phải khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, tạo dựng lực lượng lãnh đạo dẫn dắt, thúc đẩy tinh thần tự do và an toàn trong kinh doanh để tạo ra sức bật cho khu vực này. Đồng thời phải dẹp bỏ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch không cần thiết, tăng cường hậu kiểm... để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển thay vì tạo ra những công cụ "hành" doanh nghiệp như thời gian qua”, ông Cung khuyến nghị.
 
Minh Hoa