Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 7 tỉnh thành

Đông Bắc 07:27 | 23/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quy hoạch xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại 10 địa phương.

 

Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định về kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố, bao gồm: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Bên cạnh đó, thanh tra Bộ cũng sẽ tiến hành 3 cuộc thanh tra về công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; hoạt động đầu tư xây dựng;  hoạt động kinh doanh bất động sản tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại 3 đơn vị: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.

 Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quy hoạch xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại 10 địa phương. Ảnh minh họa: Nguồn Nhật Di. 

Cơ quan thanh tra cũng tổ chức một cuộc thanh tra hành chính về việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý tài chính, phòng, chống tham nhũng và chấp hành các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thanh tra Bộ Xây dựng sẽ làm việc với UBND một số tỉnh, thành phố về việc thực hiện quyết định của Bộ trưởng Xây dựng về giải quyết khiếu nại về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991 (dự kiến 2-4 đoàn).

 Theo báo cáo của thanh tra Sở Xây dựng tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng), giai đoạn 2020 đến tháng 9, đã triển khai 441 lượt kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản, ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 29,2 tỷ đồng.

Một số sai phạm điển hình như: Chuyển nhượng toàn bộ dự án khi chưa đủ điều kiện; Không công bố thông tin về dự án theo quy định; Kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính...

Đáng chú ý tồn tại tình trạng không công khai, minh bạch trong thực hiện các giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản; tình trạng các nhân viên môi giới của các sàn chưa có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhưng vẫn hành nghề môi giới.

Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại 11 quận, huyện

UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch số 289/KH-UBND về kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, kinh doanh dịch vụ văn hóa tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại UBND các quận, huyện: Thanh Trì, Long Biên, Hoàng Mai, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa. Kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa tại UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Kiểm tra hai nội dung này tại UBND phường, xã, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã nêu trên.

Thời gian kiểm tra trong quý 1 và 2/2023. Thời kỳ kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2022; lĩnh vực văn hóa, tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2022.

Thông qua kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại địa bàn một số đơn vị sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Đặc biệt là phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.