TS Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp cần cơ chế hơn là tiền hỗ trợ
(DNVN) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong thời điểm khó khăn hiện nay để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng hậu COVID-19, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản nợ;... hơn là hỗ trợ bằng tiền.
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, diễn ra sáng 9/5, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, cuối tháng 4, đầu tháng 5, VCCI đã tiến hành khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp, có đến 55% doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% mở rộng quy mô sản xuất trong quý 3, chỉ 21% doanh nói sẽ thu hẹp sản xuất. Xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp vào cuối quý 3, đầu quý IV theo khảo sát của VCCI. Trước đó, 80% doanh nghiệp cho rằng họ không thể trụ vững sau 12 tháng nếu tình hình dịch không thể kiểm soát.
“Điều này một lần nữa cho thấy sức sống kiên cường, khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn. Và một điều đáng trân trọng, dù nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng chăm lo cho người lao động, duy trì việc làm cho họ", ông Lộc bày tỏ.
Do đó, ông Lộc đề nghị biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân kiên cường vượt qua đại dịch. Để vượt qua đại dịch, những biện pháp trợ giúp của chính phủ là vô cùng quan trọng. Cộng đồng doanh nhân kiến nghị Chính phủ bổ sung miễn giảm một số sắc thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng.
Cũng theo ông Lộc, nâng trần tín dụng, nới room hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng quan trọng là phải đẩy nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày có thể doanh nghiệp sẽ không còn. Khi ấy thì các biện pháp hà hơi tiếp sức không còn tác dụng.
Còn về các biện pháp căn cơ, dài hạn, ông Lộc cho rằng chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, uy tín như hiện nay. Làn sóng quốc tế đang chuyển dịch về Việt Nam, đây là điểm đến an toàn. Và chúng ta lại một lần nữa đứng trước cơ hội hóa rồng, hóa hổ. Nhưng để đón nhận cơ hội này, việc đẩy mạnh thể chế là nền tảng quan trọng nhất.
“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát chính sách pháp luật để xây dựng phương án trình Chính phủ xóa bỏ những chính sách pháp luật chồng chéo bất hợp lý. Nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, triển khai nhanh các cơ sở hạ tầng”, ông Lộc cho biết.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế chiến thắng. Chính sự minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới chính là cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.
“Chỉ riêng khoản đầu tư công cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch, tiền tươi thóc thật trị giá trên 30 tỉ USD đã nằm trong túi các bộ, ngành. Chúng tôi đề nghị tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà, cản trở để đẩy nhanh đầu tư công, sử dụng hết khoản đầu tư này để có thể tạo thị trường, việc làm, tạo nền tảng và kích hoạt, cộng hưởng với đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và đối tác công tư. Tôi tin rằng nếu làm được điều này chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay như quyết tâm của Chính phủ”, ông Lộc thẳng thắn nói.
Do đó, ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ giao VCCI đẩy mạnh chiến lược đầu tư cấp quốc gia, tiếp cận đại bản doanh chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo, phù hợp, có chuỗi giá trị gia tăng cao hơn ở Việt Nam, không thụ động họ tìm đến với mình. Đây là yếu tố thành bại của doanh nghiệp Việt.
Người đứng đầu VCCI nêu một đề xuất nữa, đó là xây dựng phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng doanh nghiệp đầu tư nâng cao nguồn nhân lực, yêu cầu quốc tế hóa và số hóa.
Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay của doanh nghiệp Việt hiện nay là thị trường tiêu thụ. Ông Lộc đề nghị phát động tháng cao điểm từ nay đến cuối năm: Phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.
Đồng thời, ông Lộc kiến nghị thành lập tổ công tác khai mở trên mặt trận kinh tế. Đề nghị Thủ tướng đích thân đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh, trưởng ban chỉ đạo. Tại các địa phương có ban chỉ đạo tương tự do chủ tịch các địa phương trực tiếp đứng đầu để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tái khởi động kinh tế.