TS. Vũ Tiến Lộc: "Mỗi năm Việt Nam cần 20 - 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế"
Sáng 16/11, đã diễn ra Hội thảo công bố Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Việt Nam cần 20 - 30 tỷ USD/năm đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc cho biết kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 đang phải đối mặt với những thách thức lớn, gồm xung đột địa chính trị, áp lực lạm phát kéo dài, lan rộng khiến bối cảnh kinh tế chung đã, đang và sẽ còn nhiều khó khăn, một số nền kinh tế được dự báo rơi vào suy thoái trong những năm tới.
Đối với các nền kinh tế châu Á đang phát triển như Việt Nam phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ lớn để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế trong đồng thời phải không ngừng đối phó với những vấn đề nêu trên.
Báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu năm 2017 cho thấy Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ đô la Mỹ để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040.
Trong khi đó, theo nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF), ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành 15 - 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD, bao gồm cả ngành điện.
"Mỗi năm, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng, trong đó tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu, khi mức nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP", ông Lộc nói.
Đứng trước những thách thức về nhu cầu tài chính như vậy, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhu cầu tìm kiếm các cơ chế và công cụ tài chính để mở rộng các nguồn tài chính hiện tại để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là thiết yếu và ngày càng gia tăng.
Trong đó, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư PPP hiện được coi là mô hình tiềm năng nhất để thu hút nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm & kỹ thuật từ khối tư, tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.
"PPP chính là giải pháp khắc phục được vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư của nhà nước, hỗ trợ cho những khoản đầu tư cần cấp vốn mà không phải gia tăng nợ của chính phủ ngay ở bước khởi đầu", ông Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, và có nhiều nguyên nhân khiến cho tình hình triển khai các dự án PPP gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, với tính chất của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng thường có quy mô đầu tư lớn, thời gian kéo dài, quá trình thực hiện luôn thường trực rủi ro, phát sinh tranh chấp giữa nhiều quan hệ pháp lý phức tạp và đan xen lẫn nhau của các chủ thể công - tư.
Kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào năm 2020, tiếp theo đó là các Nghị định số 28 và 35 năm 2021, các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP tại nhiều Luật và Nghị định được ban hành trước đây đã được đã nhất thể hóa, thể hiện sự thể chế hóa các định hướng và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong hoạt động huy động nguồn lực tư nhân qua phương thức đối tác công – tư.
Theo ông Lộc, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP 2020 và thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP, khiến cho các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai dự án đầu tư PPP.
Đặc biệt, việc chưa ban hành và áp dụng mẫu hợp đồng để nhằm thiết lập một mẫu tiêu chuẩn thống nhất cho các hợp đồng dự án PPP (một tài liệu trong bộ hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP) cũng gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xây dựng các nguyên tắc hợp đồng minh bạch nhằm tạo sự công bằng trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Lý do gì khiến dự án PPP kém hấp dẫn trong mắt NĐT?
Còn theo TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thu hút được nguồn lực đầu tư PPP là do những khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp tại các dự án BOT khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút.
Ông cho biết, 8 dự án BOT gặp khó khăn đã mất đến hai năm để giải quyết nhưng vẫn không thể xử lý được, nhất là các vấn đề về thời gian thu phí. Nhóm vấn đề khó khăn thứ hai hiện nay là sự tuân thủ trách nhiệm nhà nước liên quan đến vấn đề là giải phóng mặt bằng và những công việc liên quan đến bàn giao mỏ vật liệu.
Hai vấn đề này đối với ngành giao thông vận tải là yếu tố quyết định thành công của dự án. Với những dự án lớn, trải dài trên nhiều địa phương thì cần còn cần sự đồng bộ. Có nhiều tỉnh đã giải phóng mặt bằng đến 90%, nhưng tỉnh khác không giải phóng mặt bằng thì cũng không làm đường được.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của các dự án PPP hiện là vấn đề vốn. Dù tỷ lệ vốn nhà nước dù có kích hoạt lên 70 – 75% nhưng với bối cảnh hiện nay nhà đầu tư tư nhân khó có thể thu xếp phần vốn còn lại.
Nguyên nhân xuất phát từ các ngân hàng thương mại bởi không doanh nghiệp tư nhân nào có đủ nguồn lực sẵn có để làm các dự án hạ tầng vốn có tổng vốn đầu tư quá cao. Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ là bỏ lỡ một nguồn lực rất lớn bởi qua theo dõi, các nhà đầu tư tư nhân làm các công trình đường cao tốc đều làm nhanh hơn, chất lượng hơn và ít đội vốn hơn.