BĐS công nghiệp sắp đón đợt sóng tăng trưởng mới?
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước đã thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến ngày 20/9, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 9, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ.
Chuyên gia kinh tế của quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm tới nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được thiết lập gần đây đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Việt Nam trong thời gian tới.
Với triển vọng tươi sáng đó, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp đang tăng cường mở rộng quỹ đất nhằm nắm bắt cơ hội phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm tới. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam. Theo CBRE, 3 khu công nghiệp mới có diện tích thêm 528 ha tại các tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Bắc bao gồm Bắc Ninh và Hải Dương đã đi vào hoạt động trong quý I năm nay.
Ở phía Nam, 2 dự án khác bao gồm Khu công nghiệp VSIP 3 và Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 với hơn 1.300 ha dự kiến sớm ra mắt thị trường. Dự báo, 5.400 ha đất dành cho khu công nghiệp sẽ được bổ sung trong thời gian tới, trong đó phần lớn diện tích đất này nằm ở Long An (40%) và Bình Dương (27%), theo báo cáo của CBRE.
Nhờ vào thế mạnh của mình, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi kinh tế vào năm tới với việc ra mắt 10 dự án mới trên toàn quốc. Các dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, logistics của Việt Nam.
10 dự án này có tổng diện tích sàn khoảng 1 triệu m2 và nằm ở vị trí chiến lược tại các khu vực có kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng thuận lợi, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, góp phần củng cố cam kết của BW trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu...
Trong chuyến công du mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ, nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, công nghệ, năng lượng đã ngỏ ý mong muốn hợp tác, đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Avison Young Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam có nhiều triển vọng dài hạn để phát triển các ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực BĐS công nghiệp nói riêng.
“Việt Nam có nhiều thế mạnh sẵn có như vị trí địa lý, chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng với nguồn nhân lực trẻ và năng suất cao. Nhà nước cũng rất chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng nhằm tăng khả năng kết nối và xuất khẩu, hướng đến trở thành trung tâm logistics của Đông Nam Á.
Dự báo dòng vốn đầu tư vào phân khúc BĐS công nghiệp trong thời gian tới sẽ tập trung vào những mô hình công nghiệp hiện đại, bền vững như KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, trung tâm dữ liệu, nhà kho thông minh.Đây là các loại hình mà nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đến từ những thị trường phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á vốn chú trọng phát triển bền vững rất quan tâm.
Về khu vực địa lý, xét về quỹ đất, bên cạnh các thị trường chính như Hà Nội và TP HCM, điểm sáng nguồn cung tương lai sẽ tập trung ở Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình đối với miền Bắc; Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh ở miền Nam.
Long An có thể thành "điểm sáng" mới
Theo Cổng TTĐT Long An, mới đây, Đoàn công tác tỉnh Long An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm làm trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ nhằm tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp Mỹ, phía Long An cho biết, tỉnh đã xây dựng mối quan hệ kinh tế với gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 1.200 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đầu tư trên 10,5 tỷ USD.
Riêng với Mỹ, Long An hiện có 23 dự án với tổng vốn đầu tư trên 484 triệu USD, đứng thứ 8 về tổng số dự án và đứng thứ 6 về số vốn đầu tư.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có những dự án lớn đến từ các nhà đầu tư Mỹ có thương hiệu toàn cầu như Pepsi, Coca Cola, Avery Dennison…
Tuy nhiên kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ. Do đó, tỉnh Long An mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục quan tâm và tìm hiểu nhiều môi trường đầu tư ở Long An.
Hiện nay, tỉnh Long An đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp 4.0 tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển đô thị sinh thái thông minh; dịch vụ cảng biển logistics; kinh tế cửa khẩu; nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo;...
Tỉnh Long An cho biết, đã sẵn sàng và tạo mọi điều kiện để đón dòng vốn đầu tư các dự án FDI từ các nước trên thế giới, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Mỹ.