BSC: 2 kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2023

Trang Mai 12:42 | 14/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới còn nhiều bất ổn, trong cả 2 kịch bản, nhóm phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) đều cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ. Trong năm 2024, dưới tác động tích cực hơn từ thế giới, sự tăng trưởng sẽ quay trở lại.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng 2023, xuất khẩu Việt Nam đạt 291 tỷ USD, giảm 6,9%, nhập khẩu đạt 267 tỷ USD giảm 12% so với cùng kỳ.

 

Trong "Dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 - 2024" chứng khoán BIDV (BSC) công bố mới đây, trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 11,62% so với cùng kỳ và nhập khẩu là 11,27%. Kể cả trong giai đoạn trong nước và quốc tế chịu cú sốc Covid 19 (giai đoạn 2020), xuất nhập khẩu suy giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương.

"Tăng trưởng xuất nhập khẩu đang cho thấy diễn biến tích cực hơn về cuối năm, đà tăng trưởng âm thu hẹp dần, tuy nhiên cán cân thương mại ngày càng tăng lên", BSC nhận định.

Theo nhóm phân tích, tình trạng này là do Việt Nam có xu hướng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu hàng thành phẩm. Trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu vẫn còn yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam không có động lực nhập khẩu để sản xuất thêm.

Trong báo cáo về chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tháng 10/2023 của S&P Global cũng chỉ rõ, số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở mức yếu, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới thay vì tăng sản lượng. Kết quả, cán cân thương mại 10 tháng năm 2023 thặng dư 24,61 tỷ USD, tăng 156,65%.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, những tháng qua, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. 

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Mặt khác, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Trong năm 2023, BSC đưa ra 2 kịch bản dự báo xuất nhập khẩu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại:

Kịch bản 1, xuất khẩu giảm 10% và nhập khẩu giảm 4,42%.

Kịch bản 2, xuất khẩu giảm 15% và nhập khẩu giảm 9,09%.

Thặng dư cán cân thương mại ở mức 28,6 – 29,1 tỷ USD.

Về phía doanh nghiệp, trao đổi với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm, lại là thời điểm lễ, Tết nên xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Do đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ còn cao hơn bình quân các quý trước.

"Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD, góp phần vào nhóm hàng "tỷ đô" của ngành nông nghiệp", ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Tương tự, ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, cho biết doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.

"Về sản lượng, đến thời điểm này sẽ không giảm, nhưng chỉ có giá trị giảm. Nguyên nhân do năm ngoái, do xung đột Nga - Ukraine, vận chuyển khó khăn nên giá dăm lên đến 190 USD/tấn, tuy nhiên, từ bước sang đầu năm 2023, giá dăm ở mức 125 USD/tấn và hiện đang ở mức 140 USD/tấn. Do đó, giá trị thấp hơn năm ngoái. Với mặt hàng viên nén cũng vậy, một vài tháng trước giá có giảm và hiện tại đã tương đối ổn định lại. Chỉ còn ngành chế biến gỗ, đơn hàng hiện khá ít", ông Thang Văn Thông chia sẻ với VTV. 

Trong năm 2024, kịch bản 1, BSC dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam lần lượt sẽ ở mức 5,5% và 11%. Kịch bản 2, xuất khẩu tăng trưởng 7,5% và nhập khẩu tăng 15%. Thặng dư cán cân thương mại thu hẹp so với 2023, ở mức 18,7 - 24,6 tỷ USD.

Dự báo trên được nhóm phân tích đưa ra dựa trên các cơ sở. Thứ nhất, xuất khẩu sang Mỹ sẽ hồi phục trở lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ; hàng tồn kho tại Mỹ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, là yếu tố cản trở đà hồi phục. Tại châu Âu, lạm phát vẫn ở mức cao, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng có quan điểm tương tự Fed là sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho đến khi lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. ECB dự báo đến năm 2025 lạm phát trung bình năm mới về ngưỡng 2,1%.

Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kĩ thuật. Xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Trung Quốc, cả 3 trụ cột chính của nền kinh tế là tiêu dùng trong nước, bất động sản, xuất nhập khẩu đều đang yếu. Sang năm tới khi Fed chấm dứt chính sách tiền tệ thắt chặt, thúc đẩy các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ theo, tạo điều kiện cho thương mại toàn cầu hồi phục trở lại. BSC dự báo khi đó thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hồi phục theo đà hồi phục chung.

Bên cạnh đó, theo BSC, nhập khẩu hàng hóa đầu vào năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau năm 2023 đình trệ, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra hồi phục.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 tổ chức ngày 9/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đánh giá bước sang năm 2024, kinh tế sẽ có nhiều bất trắc. Trường hợp, kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ có thể hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024.

“Vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 - 7%, chứ không bị âm như năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.