Tăng trưởng tín dụng phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), báo cáo tài chính quý III/2023 và 9 tháng cho thấy, tín dụng hầu hết đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương, tuy nhiên đã có sự phân hóa rõ rệt.
Vốn nằm trong nhóm các ngân hàng chiếm thị phần cho vay lớn nhất hệ thống nhưng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sau 3 quý đầu năm lại khá khiêm tốn, chỉ ở mức 3,9% so với hồi đầu năm. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành và là mức tăng thấp nhất hệ thống.
Ngoài Vietcombank, một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng thấp như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 4%; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 4,2%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) 4,3%, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) 4,3%...
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ đến cuối quý III/2023 tăng đến hơn 22% so với hồi đầu năm, bỏ xa mức tăng trưởng trung bình toàn ngành. Trong đó dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân ghi nhận tăng trưởng 19% trong 9 tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng có mức tăng trưởng tín dụng cao lần lượt là 17,1% và 16,4%. Ngoài ra, còn có một số ngân hàng khác ghi nhận dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 10% bao gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank)...
Tuy nhiên, nếu xét về số dư tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn dẫn đầu trong các ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính với quy mô dư nợ đạt hơn 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. BIDV cho biết dư nợ tín dụng tăng trưởng đều ở cả phân khúc bán lẻ và bán buôn, góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.
Tiếp ngay sau đó là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với gần 1,39 triệu tỷ đồng dư nợ, tăng 8,7% so với đầu năm và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 1,19 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tính đến ngày 30/9/2023.
Bàn về sự phân hóa trên, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ dù đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng ngân hàng cũng "đốt đuốc" tìm khách hàng tốt. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ cũ cơ cấu còn chưa trả, kế hoạch kinh doanh mới khó chứng minh hiệu quả... khiến ngân hàng cũng phải rất thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay. Do đó, tín dụng tại nhiều ngân hàng giảm thấp.
Thời gian quan, dù lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Việc lãi suất vay neo cao đi kèm với nhu cầu vốn yếu của nền kinh tế khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn.
Để tiếp tục kích cầu tín dụng trong những tháng cuối cùng của năm, các ngân hàng mới đây đã tiếp tục tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay với cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu.
Như tại VietinBank, lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiện chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2023. Quy mô gói ưu đãi lãi suất lên đến 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, Agribank công bố thực hiện giảm lãi suất cho vay lần thứ 7 liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Đối tượng áp dụng là khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng. Chương trình triển khai từ ngày 1/11/2023 đến hết ngày 31/12/2023 nhằm đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19. Agribank cho biết sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ khách hàng trong đợt này, sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm lãi suất từ 3-4%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng giảm tiếp tới 2%/năm lãi suất cho vay dành cho các khách hàng hiện hữu bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, SHB sẽ chủ động đánh giá các khoản vay và thông báo các thông tin cụ thể về chương trình tới các khách hàng.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ rõ nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Về nguồn cung tín dụng, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, giới chuyên gia tài chính dự báo tín dụng cả năm chỉ có thể đạt mức tăng từ 10-12%.