Từ 08/3: Phải tạm nộp thuế cho hàng hóa xuất, nhập khẩu theo mã số khai báo trước

11:09 | 05/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC Bộ Tài chính, kể từ ngày 08/3/2021, người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo mã số khai báo trước khi giải phóng hàng.
Thông tư số 06/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 22/01/2021 hướng dẫn Luật Quản lý thuế về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hướng dẫn rõ thời hạn nộp thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu.Tại Điều 7, Thông tư số 06/2021/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế.
 
 
Từ 08/3: Phải tạm nộp thuế cho hàng hóa xuất, nhập khẩu theo mã số khai báo trước - ảnh 1
Theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC Bộ Tài chính, kể từ ngày 08/3/2021, người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo mã số khai báo trước khi giải phóng hàng.
 
Cụ thể, kể từ ngày 08/3/2021, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp. Người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo mã số khai báo trước khi giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06/4/2016.
 
Với trường hợp kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến tăng số tiền thuế phải nộp, thời hạn nộp số tiền thuế tối thiếu là 05 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế nhận được yêu cầu khai bổ sung của cơ quan hải quan.
 
Trường hợp kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan phải thông báo cho người nộp thuế thực hiện khai bổ sung theo quy định của pháp luật về hải quan và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
 
Về thời hạn nộp thuế đối với trường hợp chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo giá khai báo trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
 
Với trường hợp có giá chính thức người nộp thuế phải khai bổ sung, nộp số tiền thuế chênh lệch tăng thêm trong thời hạn là 05 ngày làm việc kể từ thời điểm có giá chính thức; Trường hợp có giá chính thức dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.
 
Giá chính thức thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
 
Về thời hạn nộp tiền thuế đối với trường hợp hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thì người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo giá khai báo trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.
 
Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Trường hợp có các khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan, thời hạn nộp thuế là 05 ngày làm việc kể từ thời điểm người nhập khẩu xác định được các khoản này.
 
Các khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC và Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
 

Bộ Tài chính sẽ đề xuất các giải pháp về thuế, phí phù hợp thực tiễn

 
Bên cạnh việc tiếp tục gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính đang tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp ban hành thời gian qua để tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục gia hạn nộp thuế đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 11/TTr-BTC ngày 22/1/2021 về việc phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, áp dụng trong năm 2021.
 
Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
 

Từ 08/3: Phải tạm nộp thuế cho hàng hóa xuất, nhập khẩu theo mã số khai báo trước - ảnh 2
Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp
 
Theo đó, dự kiến gia hạn thuế GTGT trong 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 1 đến tháng 6/2021 khoảng 68.800 tỷ đồng; gia hạn thuế TNDN tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 trong 3 tháng khoảng 40.500 tỷ đồng; gia hạn thuế GTGT và thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh đến trước ngày 31/12/2021 khoảng 1.300 tỷ đồng; gia hạn tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 trong 6 tháng khoảng 4.400 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn, để nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
Ngày 4/2, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
 
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua để tiếp tục tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Thời gian qua, các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Bộ Tài chính đã được dư luận đánh giá cao. Hàng loạt các giải pháp giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí với mức giảm sâu đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các chính sách thuế đầy tính nhân văn này đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thêm dòng vốn tích tụ để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó có đóng góp trở lại cho ngân sách./.
 
Minh Hoa