Tỷ giá biến động có tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Trang Mai 10:55 | 05/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù tỷ giá đồng USD/VND có tăng trong thời gian gần đây, thế nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, điều này vẫn chưa thể tác động đến kết quả kinh doanh trong ngắn hạn.

Tỷ giá biến động có tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Theo thống kê của Chứng khoán Mirae Asset (MAS), tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, FED đã có 4 lần tăng lãi suất và 2 lần giữ nguyên, mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. Nếu xét từ 2022, FED đã tăng lãi suất 11 lần và lãi suất hiện đang chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. 

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ được công bố tăng 0,6% trong tháng 8, và cao hơn 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao vượt dự báo, và cách xa so với mục tiêu 2% cho năm 2023 của FED. Điều này tạo áp lực khiến FED có thể phải duy trì mức lãi suất cao đến hết quý I/2024. Đồng thời, tạo áp lực khiến Chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền chủ chốt, neo quanh vùng cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay, trên ngưỡng 105 điểm.

Chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam, và duy trì lãi suất cao của FED đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá gia tăng. 

Chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam, và duy trì lãi suất cao của FED đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá gia tăng. Vì vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất của NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 26/9 ở mức 24.076 đồng/USD, hiện đang quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.229 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.400 đồng/USD. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện nay, đồng Việt Nam mất giá so với đầu năm chỉ khoảng 1,8 - 2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9 - 10%.

“Tính từ 30/6 đến 26/9, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước đối với USD/VND tăng 1,15% và cao hơn 0,18% so với mức tăng 0,97% vào cùng thời điểm 30/6/2022 đến 26/9/2022. Đáng chú ý, điều này có thể tác động khiến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay USD, xuất nhập khẩu có thể gặp sự thay đổi ngay trong quý III” - MAS nhận định. 

 

Doanh nghiệp có hưởng lợi?

Theo MAS, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tác động của chênh lệch tỷ giá dường như chưa ảnh hưởng quá nhiều đến doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Sản xuất - Thương mại Sadaco cho biết tỷ giá lên là tín hiệu vui của doanh nghiệp xuất khẩu như Sadaco. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu không phải quá nhiều để gọi là thu lời lớn.

“Chưa kể, tỷ giá tăng thì ở chiều ngược lại, nguyên liệu gỗ nhập về để sản xuất cũng tăng theo. Các vấn đề nợ vay từ đồng USD và VND đang cao cùng nhiều chi phí chi trả cho thị trường nội địa đang là vấn đề “toát mồ hôi” của DN. Tóm lại dù đang xuất khẩu thì tỷ giá lên chưa phải là vui như bắt được vàng” - ông Mạnh nói.

Ở góc độ sản xuất, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết đơn vị đang nỗ lực phát triển mẫu mã, duy trì các đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời tìm kiếm thị trường mới cho những tháng cuối năm để tăng lượng hàng xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa.

 Sản xuất tại Công ty Gỗ Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên). Ảnh: Báo Bình Dương

Chia sẻ với Pháp luật, một lãnh đạo của CTCP Nam Việt (Navico, mã: ANV) (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản) cho biết đáng lý ra đơn vị chuyên xuất khẩu như Navico phải hưởng lợi lớn từ tỷ giá. Thế nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu bằng giá vốn, bởi sức mua của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ chưa phục hồi.

Trên góc độ dự báo, MAS cho rằng ngành dệt may với những doanh nghiệp nổi trội như: Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã: GIL), Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM), hay Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG),… nhìn chung dưới áp lực của tỷ giá sẽ nhận tác động 2 chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy, biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh. 

Với ngành công nghệ như FPT hay CMG sẽ hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm. Đối với FPT doanh nghiệp hưởng lợi chênh lệch tỷ giá từ xuất khẩu nhưng FPT có khoảng 381 triệu USD nợ vay, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu. 

Ngành thủy sản với Vĩnh Hoàn (mã: VHC), Nam Việt (mã: ANV), Minh Phú (mã: MPC), Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (mã: IDI) hay Sao Ta (mã: FMC), … sẽ hưởng lợi khi doanh nghiệp thủy sản phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn. 

Ngành cao su với Cao su Đồng Phú (mã: DPR), Cao su Phước Hoà (mã: PHR),… thường nợ vay bằng USD không đáng kể và là những doanh nghiệp cao su xuất khẩu ròng, do đó hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng. 

Ngành thực phẩm như Lộc Trời (mã: LTG), Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã: TAR) hay Tập đoàn PAN (mã: PAN),… là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, có thể hưởng lợi chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng.