Cuộc chiến tỷ giá năm ngoái khó lặp lại, năm nay NHNN ở thế chủ động hơn rất nhiều

Hạ An 08:12 | 24/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nguy cơ tỷ giá cuối năm từ việc Fed tăng lãi suất là có song bối cảnh năm nay rất khác, tỷ giá được nhiều yếu tố hỗ trợ và NHNN đã có sự chuẩn bị để đối phó với tình hình.

Những thông tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 9 nhưng để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023 đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề tỷ giá dậy sóng tương tự như cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ở thế chủ động hơn rất nhiều và hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình.

Nguy cơ tỷ giá dậy sóng vào cuối năm

Tỷ giá VND/USD bật tăng từ tháng 8 và giữ ở loanh quanh mốc 24.000 VND. Theo các chuyên gia, việc Fed gia tăng khả năng tăng lãi suất điều hành và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao là những nguyên nhân khiến chỉ số DXY khó có thể giảm xuống. DXY hiện giữ ở mức 105,58 điểm, tăng 5,8% so với thời điểm ngày 13/7.

Tính đến nay tỷ giá VND/USD cũng đã tăng khoảng gần 3% so với hồi đầu năm dù không phải là đồng tiền mất giá lớn trong khu vực, tuy nhiên cũng gây tâm lý lo ngại.

USD Index tăng cao khiến nhiều đồng tiền trong khu vực châu Á mất giá đáng kể. (Nguồn: VNDirect).

Theo ông, Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam so với khu vực châu Á và Đông Nam Á, VND vẫn là đồng tiền mất giá khá thấp, chỉ mất giá nhiều hơn so với đồng tiền của Singapore và Indonesia.Hiện Peso Philippines đã mất giá khoảng 1,8% so với đầu năm, đồng Baht của Thái Lan mất giá 3,2%, Nhân dân tệ mất giá 5,1% còn Ringgit Malaysia mất giá 6,3% so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo ông Minh có hai yếu tố khiến thị trường đánh giá tỷ giá còn tiềm ẩn nhiều rủi ro là: Lạm phát của Mỹ không giảm như Fed kỳ vọng và chỉ số USD Index tăng nhanh, hiện đã đạt khoảng 105 điểm ít nhiều sẽ tác động đến vấn đề tỷ giá của Việt Nam.

Các số liệu công bố của Mỹ cho thấy, mục tiêu của Fed để đưa lạm phát về mức 2% khó có thể đạt được trong thời gian tới khiến cơ quan này vẫn tiếp tục tăng lãi suất thêm một đợt vào tháng 11 năm nay và ngay cả sang năm 2024 cũng chỉ giảm lãi suất hai lần.

Ông Minh cho rằng, việc Fed tăng lãi suất vào tháng 11 không quá bất ngờ nhưng việc chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2024 lại khá bất ngờ với thị trường và cũng đi ngược lại dự báo trước đó của giới phân tích.

Bởi Fed đã có trên 10 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 để đưa mức lãi suất đạt đỉnh vào cuối năm nay nên khi lạm phát được kiểm soát, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh trong năm 2024.

Vì vậy, chắc chắn rằng, trong thời gian tới tỷ giá có nguy cơ tiếp tục tăng nóng, nhất là khi Fed chính thức tăng lãi suất vào tháng 11. Tỷ giá diễn biến tăng nóng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân. Đồng thời, yếu tố này làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước.

NHNN hiện đang ở thế chủ động

Mặc dù nguy cơ tỷ giá là có song TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, động thái tăng lãi suất vào tháng 11 của Fed có thể sẽ gây biến động tỷ giá nhưng sẽ không quá lớn bởi thị trường đã dự đoán được trước.

Khác với năm ngoái, năm nay NHNN đã có sự chuẩn bị và trong tình thế rất chủ động, không bị bất ngờ, ông Lực nói. Năm ngoái khi Fed tăng lãi suất dồn dập mà Việt Nam không tăng dẫn đến tỷ giá tăng mạnh còn năm nay, Fed đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, NHNN cũng đã dự liệu và có những biện pháp phòng bị.

Bên cạnh đó, bối cảnh năm nay đã khác, hệ thống ngân hàng ổn định, cán cân vãng lai thặng dư tốt, hiện Việt Nam đang xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, đầu tư FDI cũng có dấu hiệu rất tích cực trong hai tháng gần đây.

Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, NHNN vẫn có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá, bao gồm: Thặng dư thương mại duy trì ở mức cao, FDI và kiều hối tích cực và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

Việc giữ tỷ giá biến động trong phạm vi phù hợp dưới 3% sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mức giảm giá vừa phải của VND so với USD cũng ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam.

Dù vậy, NHNN sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 do cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Với động thái của NHNN về việc hút ròng gần 10.000 tỷ đồng  qua kênh tín phiếu, chuyên gia cho rằng, đây chỉ là một giải pháp trong bối cảnh dư thừa thanh khoản.

"Thanh khoản dồi dào, NHNN mua vào, qua đó hỗ trợ một phần lãi suất liên ngân hàng nhích lên nhưng không quá lớn. Điều này cũng gián tiếp hỗ trợ tỷ giá nhưng không có tác động quá nhiều". Ông nhấn mạnh, đây là hoạt động bình thường của NHNN và liệu NHNN có tiếp tục phát hành tín phiếu hay không còn tuỳ thuộc vào thanh khoản của các ngân hàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu so với giá trị hút ròng qua kênh tín phiếu thời điểm tháng 2, tháng 3 lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng thì 10.000 tỷ đồng cũng cũng không phải là một con số quá lớn. Bên cạnh đó, việc có 17 ngân hàng đấu thầu và hai ngân hàng trúng thầu cho thấy thanh khoản hiện tại rất dư thừa. Đây là điều hành hợp lý trong bối cảnh này, để tránh sự dư thừa, gây lạm phát trong nền kinh tế.