Tỷ phú Ấn Độ giàu nhất nhì châu Á: Hai lần bị bắt cóc, bỏ học làm nên sự nghiệp tỷ đô với 100 rupee dắt túi

06:55 | 02/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani và gia đình đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng gấp 4 lần từ 1.402 tỷ rupee (gần 19 tỷ USD) lên 5.059 tỷ rupee (68 tỷ USD). Nhờ đó, ông Gautam cũng vượt qua ông trùm nước đóng chai Zhong Shanshan của Trung Quốc vươn lên trở thành người giàu thứ 2 tại châu Á.

Đại dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ, những tưởng sẽ rơi vào cảnh lụi bại, phá sản như bao người. Nhưng không, ngược lại bằng tầm nhìn và tham vọng lớn doanh nhân Gautam Adani đã đưa Adani Group từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một trong những tập đoàn tư nhân hoạt động hiệu quả bậc nhất châu Á.

Bản thân người đàn ông trước khi vươn tới vị trí giàu nhất nhì châu Á cũng đã bỏ túi 16,2 tỷ USD chỉ trong vài tháng đầu năm 2021. Đồng thời giật luôn danh hiệu kiếm nhiều tiền nhất thế giới của hai tỷ phủ đình đám của Mỹ là ông trùm bán lẻ Jeff Bezos và người điều hành hãng xe điện nổi tiếng Tesla Elon Musk. 

Để có được những thành tựu như hiện quả là cả một quá trình lăn lộn trên thương trường, vượt qua bao gian khổ. 

Từ bỏ đại học lập nghiệp và tầm nhìn xa trông rộng hiếm có

Sinh trưởng trong một gia đình đông con vào ngày 24/6/1962. Trong nhà, chỉ có mỗi cha ông làm nghề buôn vải, là lao động chính nên ông có một tuổi thơ tương đối khó khăn. 

Năm 18 tuổi, Gautam từ bỏ việc đại học và quyết thử vận may tại Mumbai, thành phố kinh tế phát triển sôi động nhất Ấn Độ khi mới 18 tuổi với vỏn vẹn một tờ 100 rupee (khoảng 32.000 VNĐ) trong túi, ông xin vào làm việc tại một tổ máy phân loại kim cương. 

Sau 2 năm, ông đã thể hiện sự nhạy bén trong khả năng kinh doanh khi trở về quê nhà điều hành mảng kinh doanh nhập khẩu và phân phối nhựa PVC với anh trai sau khi nhận thấy tiềm năng lớn về mặt hàng này.

Ảnh: Reuter

Ông thành lập Công ty xuất khẩu Adani Limited, tiền thân của Adani Group ngày nay vào năm 1988. Đó là khởi đầu cho chuỗi ngày cái tên Gautam Adani ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thương trường Ấn Độ. 

Vốn ban đầu chỉ kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, khi Ấn Độ chuyển sang nền kinh tế tự do  vào năm 1991, bằng tầm nhìn hiếm có vị doanh nhân này đã "đánh hơi" cơ hội làm giàu của mình. Ông nhanh chóng mở rộng việc kinh doanh sang nhiều mảng khác nhau, biến Adani Group trở thành một đế chế hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, khai thác than, phân phối gas và dầu, cảng biển và các đặc khu kinh tế. 

Bước ngoặt vào năm 1995, Adani vận dụng tài đàm phán của mình để giành quyền xây dựng cảng biển Mundra ở Gujarat nhằm hiện thực hóa tham vọng thời trẻ của mình. 

Adani Group đã chuyển mình ra sao?

Trong vòng một thập kỷ Adani Group trở thành công ty vận hành cảng biển tư nhân lớn nhất Ấn Độ sau thương vụ cảng biển Mundra ngày trước. 

Sang năm 2014, Gautam đã mua cảng Dhamra ở miền Đông Ấn Độ từ Tập đoàn Tata trị giá 900 triệu USD. Đồng thời tiếp tục phát triển mảng điện với tiền thân là Adani Power Ltd (APL) bằng việc mua thêm một nhà máy điện nữa tại miền Nam Ấn trong cùng năm.

Trước đó, APL đã sở hữu nhà máy điện có công suất hơn 4.000 MW và hợp tác với Sun Edison xây dựng nhà máy sản xuất điện từ tấm pin mặt trời với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD tại Gujarat.

Doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani

Tiếp tục thể hiện khả năng nhanh nhạy với thời cuộc khi Adani hưởng ứng lời kêu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra chủ trương khuyến khích nội địa hóa các thiết bị quốc phòng vào năm 2015. Ông đã chỉ đạo doanh nghiệp tăng công suất để cung ứng cho quân đội.

Ba năm sau, chủ trương thúc đẩy phát triển ngành khí đốt của chính phủ Ấn Độ được ví như "thiên thời, địa lợi" giúp doanh nghiệp nhà Adani trở thành cái tên bán lẻ nhiên liệu lớn nhất quốc gia này. 

Sang đến năm 2019, Adani bắt đầu tập trung vào khai thác sân bay và giờ đang đặt chân vào các nhóm ngành mới như lưu trữ dữ liệu và dịch vụ tài chính.

Một điểm khác biệt ở người đàn ông này chính là nguyên tắc làm việc không giống ai: không bảng tính, không Powerpoint, chỉ cần bản năng. Gautam gọi đây là "tư duy của một thương nhân Gujarat" bằng việc nhớ hết tên của 500 quản lý cấp cao dưới trướng mình và kiểm soát cực kỳ chặt chẽ các hoạt động của tập đoàn.

Khi giao dịch, ông luôn là người đưa ra quyết định sau cùng. Trong một lần khi đang đàm phán hợp đồng với Abbot Point, người quản lý đã trích dẫn sai một số liệu mà ông nhận ra là thấp hơn tới 20%. Vị tỷ phú này ngay lập tức can thiệp, tự mình đàm phán, giúp Adani Group tránh được một bất lợi trông thấy. 

Hội đủ mọi yếu tố thuận lợi từ người lãnh đạo biết thức thời cho nên cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra cũng chẳng làm khó Adani Group. 

Vốn hóa của 6 công ty niêm yết thuộc Adani Group vẫn tăng thêm 75 tỷ USD vào năm ngoái, đánh dấu năm tăng trưởng tốt nhất của tập đoàn trong lịch sử. Không dừng lại ở đó, trong vòng chưa đầy 2 năm, Adani còn "vươn vòi bạch tuộc" nắm quyền kiểm soát 7 sân bay và nắm trong tay gần 1/4 lưu lượng hàng không của Ấn Độ gồm Sân bay Quốc tế Mumbai - sân bay bận rộn thứ 2 của đất nước, vào tháng 9/2020. 

Doanh nghiệp thành viên của Adani tiếp tục trúng thầu thành loạt dự án lớn như  phát triển bến cảng ở nước láng giềng Sri Lanka hay ký thoả thuận với EdgeConneX để phát triển và vận hành các trung tâm dữ liệu trên khắp Ấn Độ. 

Từ đó, sự phát triển bền vững của Adani đã mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và giá trị cổ phiếu của các công ty thành viên đều tăng đột biến, mang lại khối tài sản kếch sù cho tỷ phú Gautam. 

Trong thời gian sắp tới, tập đoàn của ông sẽ tiếp tục đánh mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo khi bỏ ra 20 tỷ USD đề đầu tư trong 10 năm bất chấp việc phải đối đầu với một đối thủ cứng cựa không kém: Reliance Industries của ông trùm Mukesh Ambani cũng chính là người giàu hơn ông Gautam tại Ấn Độ và châu Á. 

Dù vậy, việc vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh lành mạnh của những tỷ phú tự thân như Ambani hay Adani chính là những biểu tượng thể hiện cho sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ của Ấn Độ, một quốc gia có nền kinh tế năng động trẻ trung và giàu tiềm hàng đầu châu Á trong thế kỷ 21. 

 

Hai lần thoát khỏi hiểm nguy 

Khi nhắc tới Gautam Adani thì không thể đề cập tới hai vụ việc nổi tiếng từng đe dọa đến tính mạng của vị tỷ phú này.

Đầu tiên, ông từng bị 2 gã côn đồ là Fazl-ur-Rehman và Bhogilal Darji - những kẻ muốn bắt cóc ông để tống tiền. Khi đó, ông mới gây dựng sự nghiệp được 10 năm, tức là thành lập Tập đoàn Adani vào năm 1988, một liên doanh kinh doanh hàng hóa với Adani Exports (nay là Adani Enterprises). Hệ quả là đã có nguồn tin cho biết gia đình ông đã phải bỏ ra  2 triệu USD tiền chuộc. 

Đến ngày 26/11/2008, khi đang ăn tối tại Cung điện Taj Mahal nổi tiếng của Mumbai với Giám đốc điều hành Cảng Dubai Mohammed Sharaf thì khách sạn bị tấn công khủng bố. 10 phần tử khủng bố của nhóm Lashkar-e-Taiba có vũ trang đột kích khách sạn. May mắn thay, do bàn ăn ở tầng cao, ông Adani có thể nhìn thấy các tay súng đang hướng về lối đi sát bể bơi. Nhân viên khách sạn nhanh trí giúp ông và những vị khách khác thoát xuống tầng hầm trước khi chuyển lên buồng ở tầng trên.