Tỷ phú Elon Musk muốn mua đứt Twitter: vì tương lai nhân loại hay nỗ lực duy trì sự nổi tiếng?
Nhiều nghi ngờ quanh lời đề nghị mua lại Twitter
Tỷ phú Elon Musk đề xuất mua lại Twitter với giá hơn 41 tỷ USD, tương đương 54,20 USD / cổ phiếu. Trong khi đó, chốt phiên 15/4 trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Twitter giao dịch ở 45,08 USD/ cổ phiếu, tức thấp hơn đáng kể so với lời đề nghị của người đàn ông giàu nhất thế giới. Theo CEO Tesla, đây là mức giá cuối cùng và tốt nhất mà ông đưa ra để mua đứt Twitter, và lời đề nghị sẽ có hiệu lực trong khoảng 10 ngày.
Một bài phân tích trên tờ CNN đặt vấn đề: “Chính xác tại sao người đàn ông giàu nhất thế giới, giám đốc điều hành của những dự án đầy tham vọng như đưa con người lên sao Hỏa, lại muốn mua lại một nền tảng mạng xã hội Twitter?”
Trong khi đó, Twitter đang chịu sự giám sát chặt chẽ của chính phủ Mỹ liên quan đến một số nội dung ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch…
Tuyên bố tại hội nghị TED 2022, Elon Musk nói rằng thương vụ Twitter “không phải để kiếm lời… Đó là vấn đề bảo vệ Twitter như một nền tảng mạng xã hội tin cậy của nền dân chủ”.
Theo vị tỷ phú, điều thôi thúc ông đề xuất thương vụ hàng chục tỷ USD này là mong muốn có được một nền tảng công cộng với sự tin tưởng tối đa và khả năng bao trùm rộng rãi, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, điều mà ông chủ Tesla cho là một yếu tố cực kỳ quan trọng với tương lai của nền văn minh nhân loại. Những gì Elon Musk nói với công chúng là thương vụ mua lại Twitter không gì khác ngoài một nỗ lực vì tương lai nhân loại.
Dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ tính chân thành của tỷ phú Elon Musk trong lời đề nghị này. Mặc dù Musk là người giàu nhất thế giới, các chuyên gia đặt câu hỏi ông ta có thể lấy nguồn tiền mặt hơn 40 tỷ USD từ đâu để thanh toán cho thương vụ này. Bản thân Elon Musk cũng thừa nhận rằng việc đạt được thỏa thuận là một thách thức.
Phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường cũng cho thấy tâm lý lạnh nhạt và hoài nghi về khả năng thỏa thuận được thực hiện. Cổ phiếu của Twitter gần như không biến động trong phiên 15/4, vẫn giao dịch xung quanh mức 45 USD.
Nỗ lực vì tương lai nhân loại hay nỗ lực thu hút sự chú ý?
Ông David Trainer, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu New Constructs, một người từ lâu đã dõi theo các động thái của tỷ phú Elon Musk và Tesla nhận định rằng lời đề nghị mua lại Twitter của Musk có khả năng là một nỗ lực đánh bóng danh tiếng, duy trì tiếng nói trên nền tảng mạng xã hội mà Musk ưa thích nhất.
Ông Trainer chỉ ra rằng Musk từ lâu đã dùng Twitter như một kênh xây dựng thương hiệu cá nhân với hơn 80 triệu lượt theo dõi. Do đó, thương vụ mua lại Twitter có thể có bản chất tương tự với việc các tỷ phú mua lại các tài sản truyền thông để nâng cao hình ảnh. “Musk đề nghị mua lại Twitter đơn giản vì Twitter là nơi anh ta nổi tiếng”.
Trong bức thư gửi Twitter hôm 14/4, CEO Tesla khẳng định nếu HĐQT Twitter từ chối lời đề nghị, ông chắc chắn sẽ xem xét lại vai trò cổ đông hiện tại của mình. Ngoài ra, ông cũng cám chỉ về việc có thể gây khó khăn cho HĐQT trong trường hợp họ từ chối lời đề nghị, với những gợi ý liên quan đến kiện tụng hoặc lôi kéo các cổ đông khác.
“Nếu HĐQT hiện tại của Twitter thực hiện các hành động đi ngược lại lợi ích cổ đông, họ sẽ vi phạm nghĩa vụ ủy thác. Theo đó, họ có thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý”, Elon Musk viết trên Twitter.
Thông tin từ tờ New York Times cho biết Hội đồng quản trị Twitter đang cân nhắc nghiêm túc lời đề nghị. Một số nguồn tin khác cho hay ban quản trị Twitter đã họp hôm 14/4 để bàn bạc về vấn đề này, một trong những chiến lược có thể được đưa ra là thực hiện một chiến thuật phòng thủ, tức cho các cổ đông khác quyền mua cổ phiếu Twitter giá rẻ để pha loãng cổ phần sở hữu của Elon Musk, sau đó buộc Musk ngồi vào bàn thương lượng trong các quyết sách.
Trong trường hợp thương vụ không thành công, tỷ phú Musk cũng có thể xem xét huy động vốn để tạo ra một nền tảng truyền thông cạnh tranh với Twitter. Nhưng nhà phân tích Ali Mogharabi từ Morningstar Senior Equity cho rằng đó có thể là một thách thức lớn do Twitter đã đứng vững từ lâu và có tới hàng triệu người dùng hoạt động hàng ngày, tính đến cuối năm 2021.
Ông Ali Mogharabi nhắc đến nền tảng mạng xã hội do cựu Tổng thống Donald Trump lập ra mang tên Truth Social và sự “chật vật” của nó, qua đó cảnh báo rằng người dùng internet không nhất thiết sẽ chuyển sang một nền tảng mới dù đó có được tuyên bố là mạng xã hội vì quyền tự do ngôn luận, hay được đại diện bởi bất kỳ cá nhân nổi tiếng nào.
Một cựu nhân viên của Twitter thì cảnh báo rằng nếu thương vụ hoàn tất, tỷ phú Elon Musk sẽ có quyền thay đổi mọi thứ, từ các chính sách nền tảng của Twitter đến văn hóa nơi làm việc, để rồi tạo ra một viễn cảnh hỗn loạn hơn nhiều. “Công ty sẽ vận hành ra sao? Nó có ảnh hưởng đến văn hóa nội bộ doanh nghiệp hay không?... Sẽ có hàng tá vấn đề tạo ra mối quan tâm và lo lắng cho mọi người về sự thay đổi”, người này cho biết.