Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Masan sắp "tiến quân" sang mảng nội dung và giải trí, mảng tiêu dùng đặt cược vào mini mall

Lê Hồng Quý 14:45 | 14/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan cho rằng công ty đã phục vụ người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực và nội dung, giải trí là mảnh ghép vẫn còn thiếu.

Tại Báo cáo thường niên 2021, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group đã có thư ngỏ chia sẻ về những dự định của công ty, trong đó bước đầu là "xây dựng nền tảng tiêu dùng, công nghệ kết nối vạn nhu cầu".

Trong thư ngỏ, vị tỷ phú cho rằng hiện tại Masan đã phục vụ những nhu cầu thường ngày của người tiêu dùng thông qua các thương hiệu mạnh như WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê) và Phano (chăm sóc sức khỏe).

"Mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái của Masan là lĩnh vực nội dung và giải trí. Hai mảnh ghép này sẽ sớm được bổ sung, hoàn thiện để tăng cường khả năng tương tác và gắn kết mạnh mẽ với người tiêu dùng", Chủ tịch Masan chia sẻ.

Dùng mô hình mini mall để giải bài toán hợp nhất nhu cầu tiêu dùng

Theo Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, thương mại điện tử - một trong những mô hình cực kì phổ biến ở thời điểm hiện tại - dù có khả năng trở thành mô hình của tương lai, nhưng Masan duy trì quan điểm thận trọng khi muốn xây dựng những nền tảng số mà không lựa chọn con đường "đốt tiền".

Hai nhược điểm của thương mại điện tử được ông Quang chỉ ra là nhu cầu tiêu dùng còn hạn chế (chỉ chiếm 5% nhu cầu bán lẻ) và tần suất mua hàng chưa cao (chỉ có đơn khi phát sinh nhu cầu).

Trong nội dung thư ngỏ, Chủ tịch Masan bày tỏ sự kỳ vọng vào mô hình mini mall, tức mô hình của nhiều sản phẩm, dịch vụ cùng một địa điểm. Masan kỳ vọng mô hình này sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% lên 60 – 80%.

Mini mall là mô hình mà Masan lựa chọn. (Ảnh: Infonet)

Ngoài ra, phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam đang sống tại nông thôn. Do đó, mô hình bán nhu yếu phẩm thuần túy sẽ không thể hiệu quả bằng mô hình mini mall, theo Chủ tịch Masan. Mô hình mới sẽ giúp điểm hòa vốn giảm từ 20 triệu đồng/ngày xuống 14 triệu đồng/ngày (xét về mặt doanh thu).

Sau 5 năm kể từ năm 2021 bản lề, Masan kỳ vọng tới năm 2025, mô hình này sẽ nhân rộng lên 30.000 cửa hàng. 

"Chúng ta dự kiến xây dựng mô hình kiosk kỹ thuật số đa tiện ích tại các cửa hàng offline để cung cấp một giải pháp liền mạch, tích hợp tài khoản mua sắm, viễn thông, tài chính với chương trình khách hàng thân thiết", ông Quang viết trong thư ngỏ.

"Đặt cược" vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML)

Trên thực tế, cả AI và ML đều là những công nghệ theo xu hướng hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

AI và ML có thể giúp tối ưu hóa danh mục sản phẩm ở mỗi điểm bán theo thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng vùng nông thôn với thị hiếu khác biệt theo vùng miền. Việc lựa chọn vị trí cửa hàng cũng được tối ưu thông qua công nghệ AI.

Ngoài ra, công nghệ sẽ giúp tăng năng suất của nhân viên. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thể "định danh" người dùng thông qua công nghệ mang tên KYC. KYC sẽ hiệu quả hơn cách khảo sát ý kiến khách hàng truyền thống. Việc thấu hiểu khách hàng cũng sẽ giúp Masan rút ngắn chu kỳ đổi mới sản phẩm.

Theo Chủ tịch Masan, công ty sẽ bắt đầu "đặt cược" vào AI và ML bắt đầu từ cuối năm nay.

Thúc đẩy chuyển đổi số hạ tầng tiêu dùng, tài chính để tăng lợi thế cạnh tranh

Masan hiện sở hữu một dữ liệu giao dịch lớn của người dùng. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của công ty.

Dự kiến trong năm nay, Masan sẽ mở các kiosk ngân hàng số, cho phép người tiêu dùng nạp tiền, rút tiền và tiếp cận các sản phẩm tài chính, như thẻ tín dụng và bảo hiểm. Các dịch vụ sẽ được tích hợp thông qua một ID duy nhất (có thể là số điện thoại của Reddi - mạng di động ảo vừa được Masan mua lại 70% cổ phần vào tháng 9/2021 với mức giá gần 300 tỷ đồng).

Hiện tại, Chủ tịch Masan nhận định hạ tầng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam vẫn tương đối phân mảnh. Ông cho rằng cung cấp các giải pháp bán lẻ mới cho đối tác thương mại truyền thống chính là cách duy nhất để giảm giá các mặt hàng thiết yếu từ 5-10%, đặc biệt, khi kênh phân phối hàng hoá truyền thống vẫn còn chiếm đến 90% thị trường bán lẻ.

Khép lại thư ngỏ, ông Quang cho rằng dù công nghệ có thể hỗ trợ, nhưng con người vẫn là mấu chốt.  "Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng tôi có học vị Tiến sĩ chuyên ngành Marketing bởi bằng Tiến sĩ Vật lý Hạt nhân của tôi chẳng liên quan gì đến ngành tiêu dùng", vị tỷ phú thổ lộ.

Trong tương lai, Masan dự kiến tiếp tục tìm kiếm các nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để tăng tốc chuyển đổi và theo đuổi định hướng của công ty. 

Từ khóa: #Masan