UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

13:58 | 26/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau 2 năm thành lập, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã dần dần đi vào hoạt động ổn định, từng bước có những định hướng phát triển, góp phần bảo toàn, phát triển vốn nhà nước theo đúng tôn chỉ mục đích.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại đoanh nghiệp về những hoạt động của Uỷ ban trong thời gian qua và phương hướng sắp tới.
 
UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 1
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
 
Phóng viên: Thưa ông, từ khi được thành lập theo Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 03/02/2018 tới nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) đã đạt được những kết quả gì nổi bật?
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đề ra từ nhiều năm, đó là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Tập trung, thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định được cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Góp phần quan trọng để các Bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào công tác ban hành cơ chế, chính sách pháp luật, kiểm tra, thanh tra giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
 
Sau hơn 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, UBQLVNN đã sớm hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức theo quy định; khẩn trương tiếp nhận quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 Bộ. Về cơ bản, Ủy ban đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan thuộc Chính phủ; thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty.
 
UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 2
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thăm công nhân điện lực
 
Sau khi chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh mới các vụ việc và dự án đầu tư thua lỗ lớn, gây thất thoát vốn nhà nước.
 
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, về cơ bản, việc thành lập và hoạt động của UBQLVNN sau hơn 2 năm vừa qua đã khẳng định chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn; cần tiếp tục hoàn thiện để đạt hiệu quả hơn.
 
Phóng viên: Trong quá trình hoạt động, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định, UBQLVNN gặp phải khó khăn gì?
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Hiện nay, có một số quy định pháp luật về quản lý, tổ chức hoạt động của DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp đất đai có nhiều vướng mắc, khó khăn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung gây nên những khó khăn, vướng mắc chung cho các DNNN. Bên cạnh đó, việc thành lập UBQLVNN là một cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước là một vấn đề rất mới, chưa từng có trong thực tiễn ở Việt Nam và cũng không có mô hình thống nhất trên thế giới.
 
UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 3
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi cùng phóng viên
 
Hệ thống pháp luật hiện hành về DNNN và quản lý của Nhà nước đối với DNNN về cơ bản được ban hành từ trước khi Ủy ban ra đời; Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được ban hành cũng cơ bản dựa trên hệ thống pháp luật hiện hành; được áp dụng cho mô hình cơ quan quản lý nhà nước đồng thời là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó có một số quy định đối với Ủy ban chưa có sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, làm phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Ủy ban.
 
Phóng viên: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, để chủ động ứng phó và vượt qua những khó khăn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những biện pháp gì?
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Dịch bệnh Covid-19 là một thử thách rất lớn cho các nền kinh tế, cả Việt Nam lẫn trên toàn Thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhà nước nói riêng khi đứng trước thử thách này đã có những phương án linh hoạt, chủ động để vượt khó trên nền tảng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia. UBQLVNN cũng đã vào cuộc kịp thời, trong đó đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để giúp doanh nghiệp vừa chủ động phòng chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
 
Chúng tôi đã thường xuyên, kịp thời cập nhật tình hình và chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty kịp thời triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để kiểm soát tốt tình trạng lây lan của dịch bệnh; ưu tiên thực hiện các giải pháp về phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao, bình ổn thị trường, đảm bảo ổn định xã hội, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước trong thời điểm thách thức lớn như hiện nay; thực hiện các giải pháp điều hành SXKD mà các tập đoàn, tổng công ty đã đề ra.
 
Ngay khi xảy ra dịch bệnh, chúng tôi đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBQLV ngày 03/4/2020 chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; xây dựng các phương án phục hồi, phát triển sản xuất sau dịch; quán triệt việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 16/CT-TTCP ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bạch phòng, chống dịch COVID-19.
 
UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 4
Đại hội đại biểu lần thứ I Đảng bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2020-2025
 
Chúng tôi luôn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra để cùng đưa ra các biện pháp tháo gỡ. Từ thực tế ảnh hưởng của các doanh nghiệp, chúng tôi đã đề xuất các kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở kiến nghị của chúng tôi, Bộ Chính trị đã có văn bản đồng ý về chủ trương với các kiến nghị của Ban cán sự đảng Ủy ban; Quốc hội đã thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 và sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết riêng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA.
 
Đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh ở các đơn vị làm dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân như Cảng HKQT Nội Bài, Tổng công ty Hàng không VN... cũng luôn được chúng tôi đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
 
Ngay khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát và thuyên giảm, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nỗ lực cao nhất phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã được phê duyệt, kết hợp tốt giữa sản xuất và phòng, chống, không để dịch bùng phát trở lại. Chúng tôi tin tưởng rằng, làm đúng theo sự định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và bằng sự chủ động và nỗ lực của mình tùy theo điều kiện thực tế, chúng tôi sẽ vững vàng vượt qua thử thách, hoàn thành các kế hoạch đã đề ra và làm tiền đề cho năm 2021 tiếp tục phát triển.
 
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh (sinh 1963) Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, là một người được đào tạo bài bản về kinh tế và ngoại thương.
 
Ông có bằng Thạc sĩ Kinh tế và Cử nhân lý luận chính trị. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ quản lý kinh tế tại Tp. Hải Phòng và tỉnh Cao Bằng, là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa liên tiếp và từng giữ chức Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội.
 
Trước khi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 08/02/2018 bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng. Chỉ với 2 năm nắm giữ nhiệm vụ lãnh đạo ở một cơ quan hoàn toàn mới, nhưng với bề dày kinh nghiệm quản lý kinh tế của mình, ông Nguyễn Hoàng Anh đã đưa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả và từng bước phát triển.
 
 
Theo Công lý xã hội