UBTV Quốc hội bàn về quản lý FDI và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh

18:07 | 08/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 34, với nội dung trọng tâm tập trung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV. Phiên họp cũng dành thời gian bàn thảo về vấn đề chuyển giá và quản lý FDI.

UBTV Quốc hội bàn về quản lý FDI và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Phiên họp
Chuyển giá và Đề án định hướng lại thu hút FDI có chọn lọc

Sáng 8/5 sau khi nghe các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các nội dung này.

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý đặt vấn đề dư luận chung rất băn khoăn về tình hình chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu cho thấy thu từ khu vực này không đạt trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh rất là tốt, và báo cáo của Chính phủ chưa có phân tích, đánh giá về chuyển giá của khu vực này.

Trả lời băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về chuyển giá năm 2018, đã thanh tra, kiểm tra 95.940 cuộc, xử lý thu về 19.000 tỷ đồng, thực tế đến hết năm thu về 14.740 tỷ đồng. Ngoài ra, xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2017 xử lý giảm lỗ là 37.000 tỷ đồng. "Thực trạng đang như thế, chúng tôi thấy rất nghiêm trọng, nên trong Luật Quản lý thuế cần nêu rõ trách nhiệm các cơ quan trong quản lý FDI, từ khâu đầu tư đến khâu sản xuất", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, xử lý về thuế qua thanh tra kiểm tra mới là một phần. Một số doanh nghiệp FDI thông báo đầu tư vào Việt Nam nhiều tỷ USD, nhưng chưa ai đánh giá.

"Chúng tôi rất băn khoăn, nếu họ cứ thế khấu hao thì sẽ là chuyển giá ở khâu đầu tư. Còn chúng tôi mới kiểm tra được ở khâu sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bởi vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chuyển giá là câu chuyện dài, phải đánh giá và có nhiều giải pháp hơn nữa.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, chuyển giá xảy ra ở 2 khâu, khâu đầu tư ban đầu và khâu sản xuất, kinh doanh. Ở khâu đầu tư ban đầu, Luật Đầu tư trước đây có quy định là yêu cầu phải giám định tài sản đầu tư ngay sau khi đầu tư xong để xác định giá trị tài sản chính thức, từ đó mới tính khấu hao và hạch toán thu nhập chịu thuế.

"Sau khi đánh giá 30 năm FDI, chúng tôi thấy đây vẫn là kẽ hở, khi doanh nghiệp chỉ đầu tư 10 triệu USD nhưng khai 20 triệu USD, thì toàn bộ khấu hao tài sản cố định họ rút ra được hết, làm giảm thu nhập chịu thuế. Đây là hiện tượng lỗ giả, lãi thật, xảy ra rất lâu rồi", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

UBTV Quốc hội bàn về quản lý FDI và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, khi sửa Luật Đầu tư tới đây, dự kiến đưa vào điều khoản, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể thuê công ty giám định giám định lại tài sản đầu tư. Để ra cơ chế mở đó để trường hợp nào cần thì áp dụng, bên bị giám định phải trả chi phí giám định. Như vậy mới khắc phục được tình trạng này phần nào. Còn kiểm tra ở khâu sản xuất kinh doanh thì Bộ Tài chính đã làm.

Giải pháp sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đang chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị Đề án định hướng lại việc thu hút FDI có chọn lọc trong giai đoạn tới, sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI. Theo đó, đưa ra một số chính sách, gắn với ưu đãi, khuyến khích họ kết nối với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ, để doanh nghiệp trong nước tham gia được bằng chính sách ưu đãi cụ thể.

Đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại

Vấn đề khác được Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh là tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu chậm lại. Đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm cũng như tăng cường kiểm tra các bộ, ngành để bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu.

Ủy ban Kinh tế cho biết, một số vụ việc gần đây cho thấy nhiều bất cập trong công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, quản lý đất công… Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới hoạt động, công tác phối hợp và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước với các Bộ, ngành chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp.