Vấn đề pháp lý về trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án
Không ai đang yên đang lành muốn dây vào kiện tụng nếu họ không cảm thấy bất công xảy ra, quyền lợi bị mất mát, công lý không được thực thi. Đi kiện vì thế từ xưa đến nay phải nói là chuyện chẳng hào hứng gì, phải làm việc này khi tình thế buộc phải làm chứ không mấy ai làm vì thích lên thì kiện tụng. Nhưng, khi nào đi kiện thì sẽ được tòa án giải quyết, ki khởihi nào đi kiện thì bị tòa trả lại đơn. Từ một tình huống thực tiễn ngườ kiện bị tòa án trả lại đơn khởi kiện, chúng tôi dẫn lại các quy định của pháp luật về điều kiện để có thể khởi kiện tại tòa trong một vụ án dân sự. Đồng thời, qua các quy định được dẫn đó, đối chiếu với tình huống được dẫn để xem liệu việc trả lại đơn khởi kiện của tòa án đã đúng quy định của pháp luật hay chưa, cần phải hiểu về trường hợp trả lại đơn khởi kiện khi sự việc khởi kiện đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án như thế nào cho đúng luật.
Tháng 5.2020, ông A bị Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP H tuyên xử ông hình phạt tù và buộc ông phải bồi thường cho nhà nước một số tiền, thu hồi một số tài sản, buộc kê biên đối với một số tài sản (là nhà và quyền sử dụng đất) để đảm bảo thi hành án. Bản án chưa xem xét và tuyên xử liên quan đến vấn đề dân sự liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng của ông A, bà B trong thời kỳ hôn nhân. Một số tài sản đứng tên của ông hoặc của vợ chồng ông hoặc một số tài sản khác đứng tên riêng của vợ ông là bà B. Bản án cũng tuyên giành quyền khởi kiện cho các cá nhân, tổ chức liên quan đến các dự án, bất động sản bị thu hồi bằng một vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu.
Tháng 11.2020, bà B có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân quận C, thành phố N để yêu cầu chia phần tài sản chung của bà B với ông A và yêu cầu công nhận tài sản riêng của bà B trong thời kỳ hôn nhân. Tòa án nhân dân quận C đã có thông báo trả lại đơn khởi kiện với lý do là “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Bản án có hiệu lực mà Tòa án viện dẫn để trả đơn khởi kiện đó chính là bản án hình sự xét xử đối với ông A. Không đồng ý với thông báo trả đơn khởi kiện của Tòa án, bà B đã khiếu nại vì cho rằng sự việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của bà chưa được giải quyết bằng bất kỳ một bản án nào của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều kiện để toàn án thụ lý giải quyết một vụ án dân sự theo quy định của pháp luật
Theo pháp luật Việt Nam, quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (trong đó có quyền khởi kiện vụ án dân sự) được quy định rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Hay như Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự của Pháp thì quyền tham gia tố tụng đối với người có yêu cầu là quyền được trình bày về nội dung yêu cầu của mình để thẩm phán quyết định xem yêu cầu như vậy là có căn cứ hay không có căn cứ.
Thế nhưng, không phải khi nào và bất kỳ trường hợp nào tòa án cũng buộc phải thụ lý để giải quyết. Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, luật chỉ ra 7 trường hợp tòa án trả lại đơn khởi kiện: (i) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; (ii) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật; (iii) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iv) Người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án theo quy định; (v) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; (vi) Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán theo quy định; (vii) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
Từ việc dẫn chiếu các trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện theo pháp luật Việt Nam nêu trên, có thể suy luận ngược lại những điều kiện để chủ thể có thể khởi kiện vụ án dân sự như sau: (i) điều kiện về chủ thể khởi kiện; (ii) sự việc khởi kiện thuộc thẩm quyền của tòa án; (iii) sự việc khởi kiện chưa được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; (iv) đơn khởi kiện và chứng cứ, tài liệu khởi kiện phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật; (v) Hoàn thành nghĩa vụ về tạm ứng án phí của tòa án.
Như vậy, để đảm bảo đủ điều kiện để tòa án thụ lý giải quyết đơn khởi kiện, thì năm vấn đề được nêu phải đảm bảo, cụ thể vào những vấn đề một thì theo quy định của pháp luật cũng đã có những quy định rõ, cần nhận thức đúng, áp dụng đúng là người khởi kiện có thể tiếp cận được với việc yêu cầu tòa án giải quyết những tranh chấp phát sinh. Dưới đây, chúng tôi dẫn lại các quy định của pháp luật hiện hành về các điều kiện này như sau:
Thứ nhất, về điều kiện chủ thể khởi kiện.
- Người khởi kiện phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự theo luật định. Theo đó, năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
- Chủ thể khởi kiện phải có quyền và lợi ích cần được bảo vệ hoặc được pháp luật trao quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích của chủ thể khác. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 chỉ rõ nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, hoặc người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Vấn đề chủ thể khởi kiện cũng được lưu ý trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự được hướng dẫn tại Điều 2, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, theo đó:
(i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp.
(ii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Ví dụ: Tổ chức A (không phải là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010) cho rằng Công ty B bán hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng như đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết dẫn đến việc chị C (người tiêu dùng) mua sử dụng bị thiệt hại nên Tổ chức A làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B bồi thường thiệt hại cho chị C. Trường hợp này, Tổ chức A không có quyền khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
(iii) Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.
Ví dụ: Cụ A chết năm 2010, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B (còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh C là con của ông B không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A theo pháp luật.
Như vậy, chủ thể khởi kiện phải có quyền và lợi ích hợp pháp thì mới có quyền đi thưa kiện, như chủ nợ thì có quyền khởi kiện vậy, kiện hay không là tùy thuộc vào họ, nhưng nếu không phải là chủ nợ thì không được đi kiện để đòi nợ người khác không nợ gì mình cả. "Chủ nợ có quyền đi thưa để đòi tiền người ta thiếu mình, nhưng không muốn sử dụng quyền này thì thôi".
Thứ hai, sự việc khởi kiện phải thuộc thẩm quyền của tòa án.
Luật hiện hành cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Theo trình tự, thủ tục Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì chủ thể có quyền khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (vụ án dân sự) .
Thế nhưng trong chính các vấn đề về mặt thẩm quyền đó, không phải trường hợp tranh chấp nào cũng được giải quyết mà tòa án chỉ giải quyết những yêu cầu đối với những loại sự việc thuộc đối tượng giải quyết của tòa án. Từ đó luật có phân định thẩm quyền khác nhau giữa Tòa án và các cơ quan, tổ chức khác hay sự khác nhau giữa các Tòa chuyên trách trong cùng một Tòa án là không giống nhau. Chính vì lẽ đó, việc khởi khởi kiện được Tòa án thụ lý giải quyết khi nội dung tranh chấp thuộc thẩm quyền theo loại việc của Tòa án, khi có nội dung tranh chấp không thuộc thẩm quyền theo loại việc được pháp luật quy định thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý, những tranh chấp thuộc thẩm quyền theo loại việc của tòa án được quy định cụ thể tùy theo từng loại tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, (theo các Điều 26, 28, 30, 32 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Trong vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa án, có những quy định liên quan đến điều kiện để một tranh chấp được giải quyết tại tòa án, do đó trong một số trường hợp phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới đảm bảo điều kiện để Tòa án thụ lý. Vến đề này được hướng dẫn tại Điều 3, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP như sau:
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.
Ví dụ: Công ty A là người sử dụng lao động ký hợp đồng với ông B, trong hợp đồng ghi rõ ông B sẽ được Công ty cho đi học nghề 01 năm, đồng thời ông B có nghĩa vụ làm việc tại Công ty ít nhất là 05 năm kể từ thời điểm học xong. Tuy nhiên, sau khi học xong ông B chỉ làm việc ở Công ty A 02 năm. Công ty A khởi kiện ông B ra Tòa án buộc ông B hoàn trả chi phí đào tạo học nghề khi chưa tiến hành thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trường hợp này, theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012, khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Công ty A chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án.
Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Liên kết giữa vấn đề chủ thể khởi kiện ở phần trình bày trên với vấn đề thẩm quyền của tòa án, có thể thấy vấn đề điều kiện khởi kiện nhiều khi lại được quy định trong các văn bản luật về nội dung chứ không phải văn bản luật về tố tụng, điều đó chứng minh một thực tế là vấn đề khởi kiện được quy định trên mối quan hệ giữa cả luật nội dung và pháp luật tố tụng. Khi bàn về mối liên hệ này, Giáo sư N. Fricero cho rằng mối liên hệ giữa tố quyền và quyền lợi, theo đó “Quyền lợi (quyền chủ quan) là đối tượng của tố quyền, và học lý phân loại các tố quyền căn cứ vào đối tượng này : tố quyền động sản có đối tượng là một quyền lợi động sản, tố quyền bất động sản là một quyền lợi bất động sản ; tố quyền đối nhân dùng cho một quyền lợi đối nhân, tố quyền đối vật dùng cho một quyền lợi đối vật, tố quyền hỗn hợp liên quan tới một quyền lợi đối nhân và một quyền lợi đối vật được sinh ra từ cùng một hành vi pháp lý”. Do đó, quyền lợi gắn với quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động chính là đối tượng của quyền khởi kiện và là cơ sở của quyền này. Từ đó cho thấy, quyền của chủ thể khởi kiện trong mối tương thích với các quyền lợi mà họ khởi kiện cần được đặt trong mối quan hệ với nhau, chính điều đó tạo ra những cách thức xác lập điều kiện có liên quan đến các quy định thực định về luật nội dung và do đó, khi đảm bảo điều kiện nhất định thì mới phát sinh đầy đủ quyền khởi kiện. Từ đó, có một số trường hợp dù đã quy định tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa án, nhưng theo luật phải qua một số điều kiện để đảm bảo tranh chấp đó được thụ lý giải quyết trên thực tế.
Thứ ba, sự việc khởi kiện chưa được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
Quy định một sự việc đã được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thì không được khởi kiện nữa nhằm đảm bảo tránh lạm dụng việc khởi kiện lặp lại một vấn đề, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền [cơ quan giải quyết tranh chấp về đất đai, lao động; trọng tài thương mại…] phải có giá trị thực thi trên thực tế. Trừ một số trường hợp đặc thù, những sự việc có thể vẫn được khởi kiện lại bao gồm: vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Việc không kiện lại những sự việc đã được giải quyết là điều tất yếu tránh lạm dụng quyền khởi kiện, tránh một vấn đề đã được giải quyết bằng một phán quyết đã có hiệu lực nhưng lại không được thực thi, xem lờn bản án/quyết định của tòa án. Việc buộc thực thi các phán quyết đã có hiệu lực của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác cũng là cách thức đảm bảo hiệu lực thực tế của các phán quyết. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự yêu cầu đương sự sử dụng quyền của mình một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác.
Thứ tư, đơn khởi kiện và chứng cứ, tài liệu khởi kiện phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Nhiều khi tiếp cận công lý được hay không có lúc đơn giản là chúng ta có nộp được một đơn khởi kiện đúng và đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo Đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo hay không.
Khi làm đơn khởi kiện, cần lưu ý trong một số trường hợp để đảm bảo việc làm đơn, ký đơn cũng đảm bảo điều kiện để được thụ lý, do đó Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc làm đơn khởi kiện tại Điều 189 như sau:
(i) Đối với cá nhân khởi kiện
Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
c) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
(ii) Đối với cơ quan, tổ chức khởi kiện
Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
(iii) Về nội dung đơn khởi kiện phải có những nội dung chính như sau
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
Lưu ý: Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
(v) Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Ngoài ra, cần phải hiểu rằng, quyền khởi kiện được thể hiện qua các hình thức đơn khác nhau trong đó có đơn khởi kiện, đơn phản tố (khi có tư cách là bị đơn), đơn yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, với các hình thức đơn cụ thể trong các trường hợp cụ thể này thì khi yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp trong một vụ án dân sự cũng phải đảm bảo các yêu cầu chung về hình thức trình bày và các chứng cứ, hồ sơ, tài liệu kèm theo đơn để đảm bảo được thụ lý đơn khởi kiện, đơn phản tố hoặc yêu cầu độc lập.
Thứ năm, hoàn thành nghĩa vụ về tạm ứng án phí của tòa án.
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Do đó, để được thụ lý giải quyết thì người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí và chứng minh việc nộp đó cho tòa án để được thụ lý giải quyết.
Như vậy, theo luật hiện hành được dẫn ở trên, cần có 5 điều kiện để đảm bảo rằng không phải vì thiếu một trong những điều kiện đó mà tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nghĩa là điều kiện để được tòa án thụ lý giải quyết phải được đảm bảo bởi 5 điều kiện được tổng hợp lại từ việc soi chiếu ngược với 7 trường hợp bị trả đơn khởi kiện và các quy định có liên quan trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Quy định về trường hợp trả lại đơn khởi kiện khi sự việc đã được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án từ tình huống thực tiễn
Trở lại với tình huống thực tiễn ở đầu bài viết, lý do trả lại đơn khởi kiện của tòa án chỉ ghi một lý do duy nhất là trả lại đơn khởi kiện do sự việc đã được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án, có nghĩa là giả định chúng ta xem như các điều kiện khác của việc khởi kiện đã đảm bảo. Vậy đối chiếu với tình huống thực tiễn mà chúng tôi nêu thì việc trả lại đơn khởi kiện của tòa án có đúng không, chúng tôi nêu một số vấn đề để lý giải và tìm câu trả lời cho vấn đề này như sau:
Thứ nhất, sự việc khởi kiện mà người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết trong tình huống bị trả đơn khởi kiện có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không?
Sự việc được nhắc tới tại điểm c, khoản 1, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có thể hiểu là tranh chấp dân sự mà người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Trong trường hợp cụ thể này là tranh chấp về về vấn đề chia tài sản riêng và công nhận tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giữa bà B và ông A. Như vậy, trường hợp này được xác định là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 2, Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Đây là tranh chấp về hôn nhân và gia đình và theo quy định của pháp luật hiện hành thì tranh chấp này được giải quyết bằng tòa án. Khác với một tranh chấp nào đó khác về đất đai hay lao động hay kinh doanh thương mại, trường hợp này thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án mà không có khả năng thứ hai là tranh chấp thuộc thẩm quyền của cá nhân, cơ quan có khác [UBND có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (giải quyết tranh chấp về đất đai); Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động (giải quyết tranh chấp về lao động); Trọng tài thương mại (giải quyết tranh chấp theo pháp luật Trọng tài thương mại)…].
Ngoại trừ các trường hợp theo quy định của Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án năm 2020 mà các bên đồng ý hòa giải thông qua thủ tục hòa giải được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án, thì vụ việc sẽ được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Thứ hai, sự việc khởi kiện đã được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền hay chưa?
Trong tình huống được nêu tại bài viết này, tranh chấp về yêu cầu chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân và công nhận tài sản riêng của bà B trong hôn nhân với ông A chưa được xem xét giải quyết bởi bản án hình sự. Tranh chấp này chưa có việc xem xét giải quyết vì thực tế các bên liên quan cũng chưa yêu cầu xem xét giải quyết tranh chấp này. Bản án chỉ nêu là thu hồi một số tài sản của ông A và bà B, đồng thời kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án (người phải thi hành án là ông A) đối với một số tài sản khác. Như vậy, nếu Tòa án nhân dân quận C lấy lý do vì bản án đã tuyên thu hồi tài sản, kê biên tài sản của ông A và bà B nên xem sự việc khởi kiện của bà B là đã được giải quyết bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật thì có đúng không, cách hiểu đó có đúng với tinh thần của quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 hay không là vấn đề cần phải làm rõ để tránh việc trả lại đơn khởi kiện không đúng, làm mất quyền khởi kiện của bà B.
Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải hiểu rằng vụ án hình sự xét xử đối với ông A theo theo pháp luật có thể áp dụng các biện pháp về xử lý vật chứng, kê biên tài sản hoặc kiến nghị xử lý thu hồi đối với tài sản là quyền sử dụng đất do vi phạm pháp luật về đất đai, nhưng các vấn đề này là nhằm để áp dụng chế tài đối với ông A theo quy định của tố tụng hình sự. Những việc đó trên thực tế không phải là hoạt động giải quyết tranh chấp dân sự trong vụ án hình sự, ở đây cụ thể là không có việc giải quyết việc yêu cầu của bà B liên quan đến vấn đề chia tài sản chung và công nhận tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, dù tài sản chung, tài sản riêng của ông A, bà B được liệt kê trong bản án như là đối tượng của việc thu hồi, kê biên thì điều đó không thể xem là các yêu cầu tranh chấp về tài sản đó đã được xử lý, giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Sự việc yêu cầu chia tài sản chung, công nhận tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của ông A và bà B chưa được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật nào của Tòa án do đó vẫn thuộc thẩm quyền của tòa án giải quyết, vẫn đảm bảo điều kiện để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Chỉ có cơ sở từ chối thụ lý khi tranh chấp về yêu cầu chia tài sản chung, công nhận tài sản riêng của bà B trong thời kỳ hôn nhân này đã được tòa án xem xét, giải quyết, phân chia, tuyên rằng các tài sản đó thuộc về ai, ai được bao nhiêu, ai có quyền sở hữu, ai có nghĩa vụ nào với ai … và nội dung tuyên xử đó phải được tòa án quyết định ban hành bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Trong tố tụng hình sự, ngay cả với những vấn đề dân sự có gắn liền với vụ án như vấn đề bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì vấn đề dân sự cũng có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự . Còn đối với vấn đề phân chia tài sản chung riêng, xác định quyền sở hữu, lợi ích của các bên liên quan đến tài sản bị thu hồi thì chính nội dung bản án hình sự thì tại mục 6, trang 179, Bản án số 158/2020/HS-PT tuyên là: “Giành quyền khởi kiện cho các cá nhân, tổ chức liên quan đến các dự án, nhà đất công sản bị thu hồi bằng vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu”. Bản án 158 đã thể hiện, nếu có tranh chấp thì các cá nhân, tổ chức liên quan đến các tài sản bị thu hồi có quyền khởi kiện khi có yêu cầu.
Đối với tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án, khi thực thi việc thi hành án, Cơ quan thi hành án cũng có hướng dẫn rằng với các tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản bị kê biên, cưỡng chế thi hành án thì cũng phải căn cứ vào mục 6, trang 179, Bản án 158 nêu trên . Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 74 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, thực tế sự việc bà B khởi kiện chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định nào của tòa án có thẩm quyền (i), bản án hình sự phúc thẩm số 158 đã có hiệu lực thi hành dành quyền khởi kiện cho bà B (ii), Điều 74 Luật thi hành án dân sự cũng quy định bà B được quyền khởi kiện (iii), do đó có đến 3 cơ sở khẳng định quyền khởi kiện của bà B trong tình huống thực tiễn nêu trên. Việc trả lại đơn khởi kiện của bà B của Tòa án nhân dân quận C vì vậy theo chúng tôi là không đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đã tước đi quyền khởi kiện của bà B.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật qua việc trả đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân quận C trong tình huống được nêu, thực tế quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tưởng đã tường minh lại đang có những cách hiểu khác đi khi áp dụng trong thực tế. Vậy nên Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cần được sửa đổi, bổ sung hoặc cần có văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng quy định này để có sự thống nhất áp dụng trong thực tiễn.
Các triết gia qua các thời kỳ, từ Aristotle đến John Rawls, từ Thomas Aquinas đến Michael Sandel nhắc đến khái niệm công lý với những quan điểm khác nhau. Mỗi người có những suy nghĩ về sự công bằng, niềm tin vào pháp luật, chuẩn mực đạo đức không phải khi nào cũng như nhau, nhưng có điểm chung là nhiều người xem công lý bắt nguồn từ nhu cầu về trật tự xã hội, xã hội cần có công lý để có trật tự ổn định và phát triển nhưng ngược lại, chính trật tự ổn định và sự phát triển của xã hội là những yếu tố cần thiết để thực thi công lý. Do vậy, công lý được thực thi, pháp luật được tuân thủ thì có lợi cho cả người dân, xã hội và Nhà nước trong vai trò quản trị quốc gia, công lý cũng là hình ảnh phản chiếu sự ổn định và phát triển đến đâu của xã hội mà chúng ta hướng đến. Người dân có tiếp cận được công lý hay không đôi khi đơn giản chỉ là việc họ có được tòa án nhận đơn giải quyết một tranh chấp mà theo quy định pháp luật họ có quyền khởi kiện. Cần những việc tưởng đơn giản đó để đi tìm những kỳ vọng cao hơn về công lý là nhu cầu thường trực, pháp luật đôi khi không đủ mà có khi cần cả sự chuẩn mực của việc thực thi trong thực tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
2. Bộ luật tố tụng dân sự của nước Cộng hoà Pháp, Nxb Chính trị quốc gia 1998.
3. Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12.5.2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
4. Nguyễn Huy Đẩu (1962), Luật Dân sự - Tố tụng Việt Nam, Sài Gòn.
5. Vũ Công Giao, Bảo vệ công lý trong cãi cách tư pháp Việt Nam hiện nay, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210693, truy cập ngày 28.6.2021
6. Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).
7. Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông báo Trả lại Đơn khởi kiện số 02/TB-TA ngày 08.01.2021 của Tòa án nhân dân quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
9. Trần Anh Tuấn, "Quyền khởi kiện và việc xác định tư cách tham gia tố tụng", Tạp chí Tòa án, xem
https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2011/08/19/09/21/quy%E1%BB%81n-kh%E1%BB%9Fi-ki%E1%BB%87n-v-vi%E1%BB%87c-xc-d%E1%BB%8Bnh-t%C6%B0-cch-tham-gia-t%E1%BB%91-t%E1%BB%A5ng/, truy cập ngày 8.7.2021.
10. Văn bản số 624/CTHADS ngày 20/4/2021 của Cục Thi hành án Dân sự TP Đà Nẵng.
Luật sư Lê Cao