Tư vấn Pháp: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn nhiều lỗi nguy hiểm với người sử dụng

07:14 | 15/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện tại, sau khi nhận được khuyến cáo từ phía Tư vấn ACT (Pháp), Bộ GTVT cho biết đang nỗ lực khắc phục.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tư vấn ACT cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 29/4/2021. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn vẫn chỉ ra 16 khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu. 

Các nội dung này được chia thành các 3 nhóm: Hồ sơ tài liệu, thiết kế hiện trường và vận hành nhân sự. 

Cụ thể, phía tư vấn cho biết, tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ tài liệu an toàn và chỉ cung cấp một phần tài liệu an toàn rời rạc cho hệ thống điện kéo và hệ thống phanh điện... 

Nghĩa vụ tuân thủ Thông tư số 16/2016/TT-BGTVT chưa thể thực hiện được do Nhà thầu EPC không cung cấp tài liệu tương ứng. Tài liệu về khả năng tương thích điện từ chưa đến tay đơn vị tư vấn. 

Tư vấn Pháp: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn nhiều lỗi nguy hiểm với người sử dụng - ảnh 1

Có lẽ phải khắc phục xong những vấn đề liên quan đến an toàn thì đường sắt Cát Linh mới có thể vận hành

Về nhóm liên quan đến thiết kế hiện trường, ACT đã cảnh báo về nguy cơ rủi ro đối với người giảm khả năng vận động (không có chữ nổi cho người mù và chữ tượng hình đối với thiết bị liên lạckhẩn cấp...), thao tác đóng nắp hệ thống thông gió và điều hòa không khí không thể thực hiện được từ bàn điều khiển của lái tàu.

Hệ thống tay nắm cửa khẩn cấp bị đặt dấu hỏi lớn về độ an toàn khi thí nghiệm hiện trường đã chỉ ra khách hàng có thể dùng bộ phận này để mở cửa khi tàu chưa dừng hẳn. Chưa hết, ở một thí nghiệm khác ACT cho biết chiếc túi có thể bị mắc kẹt trong cửa tàu với hệ quả kéo lê hành khách đang đứng tại ke ga.

Ngoài ra, thiết kế đầu máy toa xe chưa được được kiểm nghiệm thực tế sẽ đảm bảo an toàn trong điều kiện mưa to đến 664 mm/ngày và gió lớn đến 34 m/s.

Về nhóm liên quan đến việc sẵn sàng vận hành của các nhân sự: Thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp thì thất bại đến... 8 quy trình. Tỷ lệ không thành công lên đến 80% chứng tỏ khả năng sẵn sàng vận hành và xử lý các tình huống khẩn cấp đang có vấn đề. 

Giải thích về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết ngay từ đầu ký hợp đồng dự án, các quy định xây dựng đường sắt và quy chuẩn của Trung Quốc thiếu đi phần đánh giá an toàn hệ thống. Sang đến năm 2017, khi công trình xây dựng xong và lắp đặt thiết bị để chuẩn bị cho giai đoạn khai thác, Luật Đường sắt được ban hành và có quy định đánh giá an toàn. 

Do thiếu kinh nghiệm nên không thể tự đánh giá nên Bộ GTVT mới mời đơn vị độc lập Pháp sang để đánh giá nên mới phát hiện hàng loạt những vấn đề nằm trong thiết kế hệ thống mà tiêu chuẩn từ nhà thầu Trung Quốc. 

Hiện tại, để đảm bảo an toàn bộ GTVT đang tiến hành khắc phục nhanh chóng trong quá trình vận hành khai thác. 

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án Đường sắt và Hanoi Metro đã làm nhiều việc để "sửa chữa" các vấn đề làm ngoài dự tính như: xây dựng thêm hệ thống hàng rào ke ga tại 12 nhà ga, bổ sung thêm nhiều nhân sự phần lớn là các nhân viên liên quan tới đảm bảo an toàn trên tàu và ke ga... 

Tất nhiên, tất cả những yêu cầu trên chắc chắn sẽ lại... tốn thêm ngân sách nhà nước cho một dự án bị đội vốn đã kéo dài đến hơn thập kỷ mà vẫn chưa đưa vào vận hành. 

H.S

Xem thêm: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Giá vé từ 7.000 - 15.000 đồng, Hà Nội miễn vé trong 15 ngày đầu