Ông Hoàng Trung Kiên - Từ vị trí tư vấn viên đến Tổng giám đốc FPT Retail
Ông Hoàng Trung Kiên là ai?
Hoàng Trung Kiên sinh ngày 14/9/1978 tại Hà Nội, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Đống Đa, Hà Nội. Ông Kiên gia nhập FPT từ những năm 2000 với vai trò là tư vấn và kinh doanh giải pháp phần mềm khối doanh nghiệp và ngân hàng tài chính. Ông từng là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin tại Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles, Vương quốc Bỉ.
Chân dung Ông Hoàng Trung Kiên - Tổng giám đốc FPT Retail
Quá trình công tác của ông Hoàng Trung Kiên
Năm 2000 – 2002: Nhân viên kinh doanh Công ty Giải pháp Phần mềm FPT
Năm 2003 – 2007: Trưởng phòng kinh doanh Công ty Giải pháp Phần mềm FPT
Năm 2007 – 2009: Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Trực tuyến, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT
Năm 2009 – 2012: Giám đốc Vùng kinh doanh, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT
Năm 2012 – 2016: Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT
Năm 2017: Phó Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT
Năm 2018 - 2020: Đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT
Năm 2020 - nay: Đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc FPT Retail
Ông Hoàng Trung Kiên thay Bà Nguyễn Bạch Điệp đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc FPT Retail
Từ ngày 7/3/2020, ông Hoàng Trung Kiên chính thức tiếp nhận vai trò mới là Tổng Giám đốc FPT Retail thay thế bà Nguyễn Bạch Điệp trong nhiệm kỳ 3 năm.
Ông Hoàng Trung Kiên tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và hệ thống thông tin tại Bỉ. Khi gia nhập FPT ông có kinh nghiệm xây dựng, quản trị hệ thống và phát triển kinh doanh khi có 7 năm tham gia các dự án xây dựng hệ thống thông tin cho Chính Phủ, bộ ngành và doanh nghiệp. Ngoài ra, ông còn có 12 năm kinh nghiệm trong việc mở rộng vùng phủ trong lĩnh vực viễn thông.
Ông Kiên đã có gần 20 năm công tác tại FPT trong đó 7 năm tham gia dự án xây dựng hệ thống thông tin cho Chính Phủ, hơn 12 năm kinh nghiệm mở rộng vùng phủ lĩnh vực viễn thông
Hơn 19 năm làm việc tại FPt, Ông Kiên đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom - phụ trách chính việc phát triển kinh doanh nhiều vùng trên cả nước; Phó Tổng giám đốc FPT Telecom; Phó giám đốc Trung tâm truyền thông trực tuyến của FPT Telecom,...
Trước khi giữ chức vụ Tổng giám đốc của FPT Retail thì ông Kiên đã được phân công công việc điều hành mảng kinh doanh của FPT Shop - mảng kinh doanh đem lại nguồn thu chủ yếu của FPT Retail.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn thì FPT Retail tiến hành thay tướng. Điều này sẽ là gánh nặng cho ông Kiên khi mặt hàng điện thoại, laptop đang trong chu kỳ bão hòa. Bên cạnh đó, chuỗi dược phẩm, mỹ phẩm có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, áp lực cạnh tranh lớn. FPT Retail cũng từng thử sức với mảng điện máy, điển hình là hợp tác với Nguyễn Kim nhưng không mang lại kết quả khả quan.
3 bài toán khó chờ ông Hoàng Trung Kiên giải đáp với vai trò là Tổng Giám đốc
Khi trở thành Tổng giám đốc của FPT Retail thì ông Hoàng Trung Kiên có 3 bài toán khó cần được giải đáp như: Tối ưu lợi nhuận cũng như giữ doanh thu ổn định đối với chuỗi FPT Shop; Mở rộng quy mô cũng như đạt được điểm hòa vốn đối với chuỗi dược phẩm Long Châu; Xây dựng thành công chuỗi bán lẻ mỹ phẩm F.Beauty. Những bài toán khó này sẽ là một thách thức lớn đối với ông Kiên trong vai trò mới, nếu giải được ông Kiên sẽ giúp cho FPT Retail tăng được nguồn thu đồng thời tạo triển vọng tăng trưởng ổn định cho doanh nghiệp trong tương lai.
Chuỗi FPT Shop thuộc FPT Retail
Trong mọt năm trở lại đây, cổ phiếu của FPT Retail đã mất hơn một nửa giá trị. Sự suy giảm này gắn liền với kết quả và triển vọng tăng trưởng kém tươi sáng của doanh nghiệp này.
Bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail - Bà Nguyễn Bạch Điệp cũng từng thừa nhận rằng mảng kinh doanh của FPT Shop đã tiến tới độ bão hòa, trong khi đó, gối đầu mảng kinh doanh khác lại diễn ra muộn nên ảnh hưởng đến việc tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận của Công ty.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết mảng kinh doanh điện thoại năm 2020 dù đi ngang nhưng lãi ròng có thể vẫn tăng trưởng nhờ đóng góp lớn từ mảng phụ kiện vốn có biên lợi nhuận cao và không còn dự phòng nợ xấu. Tuy nhiên, đối với mảng gối đầu là dược phẩm lại tăng lỗ trong quá trình mở rộng quy mô. Cụ thể, Công ty chứng khoán Bản Việt ước tính khoản lỗ ròng từ mảng dược phẩm sẽ tăng lên 31 tỷ đồng trong năm 2019 lên 111 tỷ đồng trong năm 2020 và 155 tỷ đồng trong năm 2021.
Bên cạnh việc mở rộng kinh doanh nhà thuốc thì FPT Retail còn thử nghiệm thêm mảng bán lẻ mỹ phẩm khi tiến hành ra mắt chuỗi F.Beauty vào năm 2019. Cả hai mô hình dược phẩm và mỹ phẩm này đều nhắm đến một bộ phận của thị trường sản phẩm chăm sóc sức khở và sắc đẹp.
Trong bối cảnh thu nhập tăng trưởng cũng như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dã tạo ra được nhu cầu dồi dào cho các sản phẩm làm đẹp (không chỉ còn ở nữ giới mà nam giới cũng có nhu cầu) thì tâm lý người tiêu dùng đang chuyển dần từ mỹ phẩm xách tay và không rõ nguồn gốc được bán online sang mua sắm tại các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, uy tín để tránh trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái.
Cửa hàng mỹ phẩm F.Beauty thuộc FPT Retail
Thị trường mỹ phẩm cũng có nhiều điểm tương đồng với dược phẩm, FPT Retail sẽ có sự cạnh tranh với các nhà thuốc tư nhân nhỏ còn đối với mặt hàng mỹ phẩm thì doanh nghiệp này phải cạnh tranh với các chuỗi mỹ phẩm ngoại có kinh nghiệm và tiềm lực lớn trong ngành như Guardian, The Face Shop,...
So sánh giữa hai thương hiệu mỹ phẩm và dược phẩm của FPT Retail thì thấy có sự chênh lệch: Dược phẩm Long Châu trước khi bị thu mua thì đã là một trong những hiệu thuốc hàng đầu, doanh thu mỗi cửa hàng vượt trội hơn hẳn so với các chuỗi dược phẩm khác còn đối với mảng mỹ phẩm thì doanh nghiệp phải bắt đầu xây dựng từ đầu.
Những bài toán khó này chính là áp lực lớn đối với ông Hoàng Trung Kiên đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.
Sơ lược về FPT Retail
FPT Retail tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT được thành lập năm 2012 tại Việt Nam và là một thành viên của Tập đoàn FPT.
Hiện nay, FPT Retail đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ lớn là FPT Shop và F.Studio By FPT cùng 1 Công ty con là FPT Pharma. FPT Retail hiện đang có đội ngũ nhân viên là 6.000 người. FPT Retail chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSe vào ngày 26/4/2018 với mã FRT.
FPT Shop là chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm: điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện, dịch vụ công nghệ. Đây là hệ thống bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam đã được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 về việc quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
F.Studio By FPT là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam - chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple. Và FPT Retail là công ty đầu tiên của Việt Nam sở hữu chuỗi bán lẻ với mô hình cửa hàng chuẩn của Apple.
FPT Pharma là chuỗi nhà thuốc mang thương hiệu Long Châu - chuyên kinh doanh mặt hàng dược phẩm, dụng cụ y khoa, thực phẩm chức năng chính hãng.
F.Beauty là chuỗi mỹ phẩm với nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng vẫn phải đối mặt với những áp lực lớn
Xem thêm: Dragon Capital liên tiếp hạ tỉ lệ sở hữu ở FPT Retail trong vòng gần 1 tháng
Tâm Phạm