Văn hóa doanh nghiệp cốt lõi để tái cấu trúc và phát triển
Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Tại Hội thảo "Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu", do Báo Văn hóa và Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 11/9, nói về văn hóa doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh, văn hóa mở cửa rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Câu chuyện về văn hóa không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả thế giới.
Hội thảo "Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu". Ảnh DNVN/HuongLan.
Theo TS. Thành, văn hóa doanh nghiệp có 3 khía cạnh quan trọng, đó là bên cạnh hiệu quả kinh tế đơn thuần, lợi nhuận của doanh nghiệp chính là sự phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thứ hai là nền tảng chiến lược của doanh nghiệp, bao gồm nền tảng công nghiệp và văn hóa doanh nghiệp. Và khía cạnh thứ ba là giá trị của doanh nghiệp.
Đánh giá về văn hóa doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, PGS.TS Dương Thị Liễu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này đang đặt các doanh nghiệp vào môi trường siêu cạnh tranh. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, mà còn là làn sóng giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh nhằm đáp ứng nhanh, chính xác các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Do đó, bà Liễu nhấn mạnh, cách mạng 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, những lề thói chậm chạp, trì trệ sẽ không thể gọi là văn hóa. Dĩ nhiên, mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa của doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục và giải quyết công việc. Bởi, chính văn hóa tốc độ bắt buộc nhân viên phải có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, không có kỹ năng và kỹ luật, không tham gia được cái gọi là thời đại 4.0. Có thể nói, trong thời 4.0, quy mô không còn là lợi thế quyết định sức cạnh tranh, mà tốc độ mới giữ vai trò quyết định.
Theo bà Liễu, để có được tốc độ trong cạnh tranh, cần phải thay đổi công nghệ và quản trị. Và để làm được điều đó, phải chăm lo các nền tảng văn hóa, tinh thần. Đây là một trong những vấn đề quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh 4.0
Văn hóa doanh nghiệp cốt lõi để tái cấu trúc và phát triển.
Chia sẻ thêm về văn hóa doanh nghiệp thời COVID-19, ông Lê Quang Vũ, chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển nội dung Blue C cho rằng: Trong khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ thể hiện giá trị cốt lõi của mình. Đây là cơ hội để mọi người gắn kết; để doanh nghiệp tái cấu trúc và chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, một số doanh nghiệp Việt đã tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Đó là Vietnam Airlines (VNA) với những chuyến bay nhân đạo, giải cứu các bệnh nhân COVID-19 đang mắc kẹt ở nước ngoài. Người VNA sáng tạo ra các quy trình mới, thay đổi để vận chuyển hàng thay vì vận chuyển hành khách trong mùa dịch. Hay như, tập đoàn Viettel đã triển khai nền tảng y tế trực tuyến giúp hàng trăm triệu người ở 11 quốc gia cập nhật thông tin dịch bệnh trong mùa dịch COVID-19.
Đặc biệt, Vingroup đã có những đóng góp nổi bật trong dịch COVID-19 khi tặng 3.200 máy thở cho tuyến đầu chống dịch; tặng 300 tỉ cho các đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Và có chuyến bay nhân đạo đón người Việt về từ Ukraina…
Từ đó, theo ông Vũ, quan trọng nhất, trong khủng hoảng các doanh nghiệp phải linh hoạt để thích nghi với dịch. Đây là thời điểm mang tính quyết định để phát triển doanh nghiệp, và văn hóa doanh nghiệp là cái gốc để tái cấu trúc và phát triển.
Đông Nghi