Vàng liệu có "đi đúng liệu trình" lên 2.300 USD/ ounce vào cuối năm 2021?
Tuy nhiên, ngay sau đó, sự tập trung của giới đầu tư đã đổ dồn vào một sự kiện sẽ gây tác động rộng khắp đến nền kinh tế toàn cầu: đại dịch COVID-19. Đến đầu tháng Ba, giá vàng đã lập đỉnh của 7 năm là 1.673,10 USD/ounce khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Thế nhưng khi sự hoảng loạn lan rộng trên các thị trường dẫn đến hoạt động bán tháo ồ ạt, vàng lại rơi xuống mức thấp của 6 tháng là 1.498,80 USD/ounce, trước khi phục hồi lại lên ngưỡng 1.600 USD/ounce vào cuối tháng.
Trong quý II, giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng khá ổn định, chủ yếu do những lo ngại về rủi ro kết hợp với sự tăng trưởng kỷ lục của các quỹ ETF vàng. Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng trong quý này tăng 434,1 tấn, đưa tổng mức 6 tháng đầu năm lên hơn 733,9 tấn và đạt tổng trị giá kỷ lục 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, những diễn biến đáng chú ý nhất đã xảy ra trong quý III khi giá vàng xác lập kỷ lục mới 2.075 USD/ounce hồi đầu tháng Tám. Kéo theo đó là đà tăng mạnh của hàng loạt cổ phiếu liên quan đến vàng. Sự tăng cao của giá vàng diễn ra song song với sự đi xuống của đồng USD. Đồng bạc xanh vào thời điểm đó đã rơi xuống mức thấp của hai năm do áp lực lạm phát.
Với việc giá vàng đã tăng tới 32% chỉ trong 8 tháng đầu năm, nhiều nhà phân tích đã sớm tin tưởng rằng, giá kim loại quý này có thể tăng cao hơn, thậm chí áp sát mốc 3 nghìn USD/ounce vào cuối năm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng đã không thể duy trì mức cao kỷ lục vừa đạt được mà nhanh chóng trượt xuống dưới ngưỡng 1.950 USD/ounce. Việc đồng USD dần mạnh lên, đà tăng phi mã của thị trường chứng khoán và những kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mới tại Mỹ là những nguyên nhân chính gây áp lực lên giá vàng.
Triển vọng của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường cũng phù hợp với dự báo năm 2021 của các nhà phân tích. Hầu hết ngân hàng lớn trên Phố Wall đều kỳ vọng giá vàng sẽ đạt trung bình trên 2.000 USD mỗi ounce vào năm tới. Trong đó một số nhà băng dự báo kim loại quý sẽ đạt trên 2.300 USD, gồm Goldman Sachs, Commerzbank và CIBC.
Các chuyên gia phân tích lạc quan về vàng khi các ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vào năm tới. Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng do kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm dự kiến tiếp tục giữ lãi suất thực ở mức thấp hoặc âm. Đây đều là yếu tố hỗ trợ giá vàng.
Bank of American là tổ chức có góc nhìn tích cực nhất. Vào tháng 4, khi các ngân hàng trung ương và chính phủ trên khắp thế giới áp dụng chính sách nới lỏng, bơm tiền chưa từng có vào thị trường tài chính, Bank of American đã dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD vào cuối năm 2021.
Kể từ đó, nhà băng này đã có một số lần điều chỉnh hạ dự báo, tuy nhiên, các nhà phân tích hàng hóa vẫn khá lạc quan về kim loại quý này, dự báo giá vàng trung bình trong năm tới khoảng 2.063 USD mỗi ounce.
"Khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại, vàng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, khiến nó khó đạt mức 3.000 USD. Dù vậy, các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đang diễn ra sẽ đẩy kim loại quý này lên trên 2.000 USD một lần nữa", các nhà phân tích của Bank of American đánh giá.
Leigh Goehring, nhà quản lý của Goehring & Rozencwajg Associates, kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD mỗi ounce.
"Năm 2021 sẽ là năm đánh dấu sự quay trở lại của lạm phát. Chúng ta đã không trải qua bất cứ điều gì như vậy trong 40 năm. Vào một thời điểm nào đó trong năm tới, điều đó sẽ xảy ra", Goehring dự báo. "Với động thái in tiền ồ ạt trong năm 2020, năm tới sẽ là năm mà chúng ta không thể tránh khỏi hậu quả. Vì thế, vàng có thể vượt qua 2.100 USD và thách thức 3.000 USD".