Vay mua nhà với lãi suất ưu đãi: Người mua cần tính toán thận trọng khả năng trả nợ dài hạn
Bám sát chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tín dụng hỗ trợ người trẻ mua nhà, nhiều ngân hàng thương mại ngay lập tức đưa ra thị trường gói cho vay ưu đãi với lãi suất cạnh tranh nhằm giúp khách hàng sớm có cơ hội “an cư, lạc nghiệp”.
HDBank đã triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng với thời gian vay lên đến 50 năm. Mức lãi suất khởi điểm là 4,5%/năm trong 3 tháng đầu, với khoản vay tối đa lên đến 50 tỷ đồng, giải ngân 90% giá trị tài sản bảo đảm. Khách hàng được ân hạn nợ gốc tối đa 5 năm, giúp giảm áp lực tài chính trong giai đoạn đầu sở hữu nhà ở.
LPBank cũng công bố gói vay quy mô 5.000 tỷ đồng, áp dụng mức lãi suất khởi điểm chỉ từ 3,88%/năm trong 3 tháng đầu tiên. LPBank cho phép khách hàng vay tới 100% nhu cầu vốn, với thời hạn vay tối đa lên đến 35 năm và ân hạn nợ gốc tới 24 tháng.

Nhiều ngân hàng tung gói vay mua nhà lãi suất hấp dẫn. Ảnh BTC.
Trước đó, SHB cũng đã công bố gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ nhu cầu mua nhà, với lãi suất từ 3,99%/năm trong 3 tháng đầu. SHB cho phép khách hàng vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua, đồng thời miễn trả nợ gốc lên đến 60 tháng đầu tiên (tương đương 5 năm). Thời hạn vay cũng được kéo dài đến 35 năm, tạo điều kiện thuận lợi để người vay cân đối tài chính.
Cùng với các ngân hàng trên, ACB đã giới thiệu gói vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng dưới 35 tuổi, với lãi suất khởi điểm từ 5,5%/năm. Điểm đặc biệt của gói vay này là lịch trả nợ linh hoạt, giúp khách hàng dễ dàng điều chỉnh phương thức thanh toán phù hợp với thu nhập cá nhân...
Kienlongbank triển khai gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 0% hướng đến khách hàng trẻ dưới 35 tuổi, nhằm hỗ trợ mua nhà, tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cung cấp gói vay 16.000 tỷ đồng với lãi suất 3,99%/năm trong 3 tháng đầu, hỗ trợ vay đến 90% giá trị tài sản...
Các gói vay này đều có lãi suất ưu đãi áp dụng trong một khoảng thời gian cụ thể nhất định trước khi trở về lãi suất thả nổi. Tùy từng chính sách tại các ngân hàng, người đi vay có thể lựa chọn lãi suất ưu đãi ví dụ 3,99%/năm cố định 3 tháng; hoặc lãi suất 5,39%/năm, cố định 6 tháng. Đối với thời hạn ưu đãi một năm, mức lãi suất áp dụng là 8,39%/năm. Thời gian vay vốn tối thiểu cho các gói vay trên là từ 4 năm trở lên.

TS. Nguyễn Trí Hiếu tại buổi họp báo công bố thông tin về sự kiện Ngày sở hữu Nhà Quốc gia Việt Nam 2025. Ảnh BTC.
Tại buổi họp báo công bố thông tin về sự kiện "Ngày sở hữu Nhà Quốc gia Việt Nam 2025" diễn ra ngày 2/4, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến băn khoăn vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đang được các ngân hàng triển khai hiện nay. Ông Hiếu nhận định, một trong những điểm thu hút nhưng cũng dễ gây hiểu nhầm nhất hiện nay là các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi ban đầu cực kỳ hấp dẫn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: "Chúng ta thấy nhiều ngân hàng quảng cáo lãi suất chỉ 4 - 6% trong năm đầu, thời hạn vay kéo dài 20-30 năm, thậm chí cho vay đến 100% giá trị căn nhà. Nghe rất hấp dẫn, tuy nhiên lãi suất khởi đầu đó chỉ là "lãi suất mồi"".
Theo ông Hiếu, mức lãi suất khởi đầu đó thường chỉ mang tính "mồi nhử". Sau một thời gian ngắn, thường là 3-6 tháng hoặc 1 năm, lãi suất thực tế sẽ được điều chỉnh thả nổi. Nhiều ngân hàng áp dụng công thức lấy lãi suất huy động bình quân 12 tháng cộng thêm biên độ lợi nhuận 3-5%. Với công thức này, lãi suất cho vay thực tế có thể lên đến 10-11% hoặc cao hơn.
TS. Hiếu lưu ý người dân khi tìm hiểu các gói vay không nên chỉ tập trung vào mức lãi suất ưu đãi ban đầu mà phải tính toán trước mức lãi suất phải trả trong dài hạn sẽ tăng lên sau khi hết ưu đãi, để lường trước áp lực trả nợ lớn sau này.
Chuyên gia lấy ví dụ: "Giả sử một căn hộ tại Hà Nội trị giá 5 tỷ đồng, người mua vay 80%, tức 4 tỷ đồng. Nếu tính với mức lãi suất cố định 10%/năm trong suốt 30 năm, mỗi tháng người vay phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 35 triệu đồng". Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI - Debt to Income) là tỷ lệ mà các ngân hàng thường dùng để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng được đánh giá là an toàn khi ở mức 50%, nghĩa là số tiền trả nợ hàng tháng chiếm một nửa tổng thu nhập.
"Với khoản nợ phải trả 35 triệu đồng/tháng, thu nhập của hộ gia đình đó cần phải đạt 70 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu người trong chúng ta có được mức thu nhập này?", TS. Hiếu phân tích.
Nhìn chung, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị người mua nhà cần chủ động tìm hiểu kỹ các phương thức vay, điều kiện tài sản đảm bảo và quan trọng nhất là phải "liệu bò đo chuồng", tính toán thận trọng khả năng trả nợ dài hạn của gia đình. "Chúng ta cần tránh tình trạng mua được nhà rồi lại rơi vào khó khăn tài chính để trả nợ. Việc hiểu rõ các công cụ tài chính và yêu cầu sự minh bạch là yếu tố then chốt để người dân vừa sở hữu được căn nhà mơ ước, vừa đảm bảo cuộc sống ổn định, để ngôi nhà thành tài sản bền vững, có thể kế thừa cho thế hệ mai sau", chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng các ngân hàng khi giới thiệu các chương trình ưu đãi, phải minh bạch thông tin về cách tính lãi suất và mức lãi suất dự kiến sau thời gian ưu đãi. "Người dân cần được biết rõ lãi suất thực tế sau này là bao nhiêu để có thể đánh giá đúng khả năng chi trả của mình," ông Hiếu nhấn mạnh.