VCBS: Lạm phát duy trì mức cao nhiều tháng tới do giá xăng dầu tăng và xung đột Nga - Ukraine chưa rõ ngày kết thúc
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lạm phát tháng 3 có thể tiếp đà tăng 0,8% - 0,9% so với tháng 2, tương ứng tăng 2,51% - 2,61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát kỳ vọng cao dự báo tiếp diễn trong các tháng tiếp theo đặc biệt liên quan đến việc giá xăng dầu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn. Cùng với đó là tác động vòng hai lên các hàng hoá, dịch vụ khác cũng là nguyên nhân tạo áp lực đáng kể lên lạm phát.
Đánh giá chung về nền kinh tế 2 tháng đầu năm, VCBS cho rằng nền kinh tế Việt Nam dù còn phải đối mặt nhiều khó khăn vẫn đang tiếp tục cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực khi cầu tiêu dùng phục hồi yếu nhưng xuất khẩu lại tăng trưởng.
Trong giai đoạn chiến lược chống dịch chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, phục hồi sản xuất, VCBS kỳ vọng nền kinh tế tiếp đà phục hồi. Theo đó, với việc độ phủ vắc xin trước so với dự báo của WHO, VCBS kỳ vọng tăng trưởng quý I đạt khoảng 5,67% - 6,28%. Số liệu tăng trưởng dự báo cho năm 2022 được giữ nguyên ở mức 6,8% - 7,2%. Cầu tiêu dùng dự báo hồi phục với tốc độ tốt hơn nhờ chiển lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
VCBS cũng khuyến nghị đối với Việt Nam, trong giai đoạn bất ổn, nhiều biến động như hiện tại, mục tiêu hàng đầu của nhà điều hành vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.
Điểm qua tình hình thế giới, báo cáo cho biết triển vọng kinh tế thế giới kém lạc quan hơn trước các căng thẳng địa chính trị cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3, nhiều khả năng Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản, thấp hơn kỳ vọng trước đây (tăng 50 điểm cơ bản). Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu đang gặp phải nhiều khó khăn khiến ECB sẽ chưa thể có động thái tăng lãi suất.
Theo VCBS, chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các NHTW gặp nhiều khó khăn. Thậm chí không loại trừ khả năng các căng thẳng chính trị gần đây có thể kéo chậm quá trình tăng lãi suất. Do đó, quá trình trung hoà các chính sách này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng.
Trong quá khứ, chu kỳ phục hồi và đi lên của nền kinh tế có xác suất tạo ra chu kỳ tăng giá hàng hoá dài hạn lớn hơn là sự kiện biến động địa chính trị. Tuy vậy, trong ngắn hạn áp lực tăng giá cả hàng hoá sẽ tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Nhìn chung các yếu tố này vẫn ủng hộ cho kịch bản nền kinh tế phục hồi với tốc độ kém hơn so với dự báo, và có sự phân hoá trong chính sách giữa các nền kinh tế lớn. Điều này đòi hỏi những sự thận trọng với các thay đổi chính sách từ NHTW.