VCCI: Doanh nghiệp Việt Nam đã vượt con số 1 triệu

08:24 | 18/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với 126.859 doanh nghiệp được thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay. Điều này giúp số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000 đến này đã vượt con số 1 triệu doanh nghiệp.

VCCI: Doanh nghiệp Việt Nam đã vượt con số 1 triệu - ảnh 1
Sáng 17/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018”.

Tại buổi công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã ghi nhận những thành công và kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2017 của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với 126.859 doanh nghiệp được thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay. Điều này giúp số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000 đến này đã vượt con số 1 triệu doanh nghiệp.

"Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018” cũng chỉ rõ: Năm 2017, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều cải thiện. Khoảng cách phát triển giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước đã được thu hẹp dần. Môi trường kinh doanh thực sự đã có những điều chỉnh góp phần đưa khu vực tư nhân xích lại gần hơn với các khu vực doanh nghiệp khác.

Nhưng còn tồn tại nhiều quan ngại vì xu hướng doanh nghiệp nhỏ dần đi, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô nhỏ thua lỗ vẫn ở mức cao. Chất lượng doanh nghiệp năm 2017 đã có cải thiện nhưng không đáng kể.

Đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp trong những lĩnh vực ứng dụng kinh tế số như dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, Báo cáo cho biết: Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tăng lên qua các năm, đến cuối năm 2016, có trên 11.000 đơn vị, chiếm trên 2,2% tổng số doanh nghiệp của cả nước, tập trung chủ yếu ở các ngành liên quan đến máy vi tính, viễn thông.

Giá trị sản xuất của ngành này không ngừng tăng lên qua các năm, đóng góp vào GDP được duy trì ở mức trên 0,7%. Các doanh nghiệp viễn thông, internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD. Hai ngành nghề này góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.

Trong khi đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường.

Bên cạnh sự ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các ngành nghề kinh doanh truyền thống, nền kinh tế số còn mở ra nhiều mô hình kinh doanh phi truyền thống ở Việt Nam, mà điển hình là dịch vụ Grab-taxi hay lĩnh vực Fintech.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi rất nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đã dẫn tới một số quy định pháp luật không theo kịp, khiến các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường kỹ thuật số có thể gặp khó khăn khi áp dụng mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.

Điều này đang phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh thời đại kỹ thuật số.