Vé tàu Cát Linh - Hà Đông có giá bao nhiêu?

17:00 | 31/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vé tàu của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có giá giao động từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi ki lô mét tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Miễn phí trong 15 ngày đầu tiên

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết thành phố đã sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông trong giai đoạn đầu.

“Sau khi tiếp nhận, thành phố Hà Nội sẽ cho tàu tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại," ông Viện khẳng định.

Tàu tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách

Liên quan đến giá vé, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, giá vé của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày).

 Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi Km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Sau 1 thời gian chậm chễ đưa vào khai thác thương mại do các thủ tục liên quan đến nghiệm thu. Chiều 29/10 mới đây, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã thống nhất kết quả nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, tại cuộc họp chiều ngày 29/10, Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thông báo trên cơ sở ý kiến bằng phiếu, tất cả 9 thành viên Hội đồng đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư, để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, vào khai thác giai đoạn đầu.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đánh dấu giai đoạn mới. Với trách nhiệm của chủ đầu tư, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để triển khai các nội dung theo yêu cầu.

Còn theo ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đơn vị đã sẵn sàng điều kiện để tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; báo cáo UBND thành phố về kế hoạch khai thác trong giai đoạn đầu vận hành.

681 nhân sự vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Về nhân sự cụ thể, đại diện Metro Hà Nội thông tin, theo mô hình định biên dự án sẽ có 681 người làm việc, trong đó 651 người được đào tạo bổ sung với 112 chức danh, vị trí công việc.

Trong số 681 nhân lực, có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trên tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Về lái tàu, sẽ có 40 người. Các lái tàu này được đào tạo ở Trung Quốc 1 năm với 6 tháng học lý thuyết và 6 tháng học thực hành trên các tuyến đường sắt đô thị tại Bắc Kinh.

Đối với lương của lái tàu, theo lãnh đạo Metro Hà Nội không thông tin cụ thể nhưng cho hay, do lái tàu Cát Linh - Hà Đông là lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng.

"Đây chỉ là bảng lương được xây dựng cho lái tàu chứ không phải các nhân sự khác tham gia vận hành dự án này", đại diện Metro Hà Nội thông tin.

Theo phương án mới được đưa ra, tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) sẽ hoạt động từ 5h đến 23h (phương án trước đó là từ 5h đến 22h).

Qua tính toán, đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ. Như vậy, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo thiết kế kỹ thuật được Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT (chủ đầu tư) báo cáo, tuyến đường sắt đô thị 2A có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.

Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.

 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Sau nhiều lần lùi thời gian khai thác, đến tháng 3/2021, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị và được đơn vị tư vấn độc lập cấp giấy chứng nhận an toàn.

Ngày 29/10, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, là bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại.