Giải pháp nào để khơi thông nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

10:00 | 31/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần có nhiều giải pháp để kích thích và khơi thông nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Trong phiên thảo luận về nội dung kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong bối cảnh vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên diện rộng với thời gian dài nhưng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp thì nhiệm vụ về chính sách tài khóa sẽ hoàn thành.

Mặc dù đã giảm, miễn, hoãn nhiều chính sách thuế, nhưng dự kiến thu ngân sách năm 2021 phấn đấu tăng khoảng 1,7%. Chi ngân sách không vượt dự toán, bội chi ngân sách như Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời, nhờ tiết kiệm chi để có thêm nguồn lực để chống dịch và cho các gói phát triển kinh tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chúng ta đã chống dịch tương đối ổn, tiếp tục chuyển sang giai đoạn mới là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. "Vì vậy bây giờ phải tạo nên các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cho cầu của nền kinh tế tăng lên. Từ đó sẽ bước sang một giai đoạn mới phục vụ cho vấn đề tăng trưởng", Bộ trưởng cho biết.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới sẽ đề nghị với Chính phủ thiết kế từng gói và quản lý theo từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo có hiệu quả.

Bộ trưởng  Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo Bộ trưởng, tới đây chúng ta tập trung chuyển đổi số, nhưng đây là kế hoạch dài hạn. Kế hoạch ngắn hạn bây giờ doanh nghiệp cần đó là: Thị trường, nguồn nhân lực và vốn. Bên cạnh đó cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách và thể chế.

Để giải quyết vấn đề vốn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ một số gói kích thích kinh tế. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện gói này.

Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khoá, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương. Khoảng 20.000 tỷ đồng/năm chẳng hạn, như vậy, sẽ hỗ trợ 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, để phát triển, sản xuất mới như lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống…

Ngoài ra là hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư đối với công trình hạ tầng. Đặc biệt là công trình hạ tầng trọng yếu, hạ tầng trọng điểm quốc gia thì sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh gói hỗ trợ lãi suất, Bộ trưởng cũng cho biết đang nghiên cứu xây dựng đề án phát hành Công trái huy động ngoại tệ trong nước. "Gói này huy động tiền trong dân, như huy động USD nhàn rỗi. Huy động nguồn này dùng để phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong trường hợp cần thiết thì sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, để tập trung giải quyết vào những vấn đề trước mắt, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó quay vòng vốn đảm bảo cho kinh tế phát triển.

"Năm 2022 - 2023 có thể tăng bội chi, nhưng đến năm 2024, khi kinh tế phát triển, thu ngân sách tăng lên thì sẽ giảm bội chi", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, tới nay gần 76% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương đã được phân bổ, trong đó, các bộ, cơ quan trung ương đã giao khoảng 66,6%, các địa phương đã giao khoảng 88,9% số vốn kế hoạch được Quốc hội phân bổ.

Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng (bao gồm: vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn; dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng nhân dân các cấp quyết định theo thẩm quyền được quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đầu tư công.

Đối với phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cụ thể là phân bổ vốn ngân sách trung ương 1.090.014,445 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 1.233.000 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, hiện nay, tổng số vốn ngân sách trung ương thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã giao chi tiết tới tới từng dự án đủ điều kiện giao vốn là 826.237,731/1.090.014,445 tỷ đồng, đạt 75,8% số Quốc hội đã phân bổ. Trong đó, các Bộ, cơ quan trung ương đã giao 426.429,701/640.172,914 tỷ đồng, đạt 66,6% số Quốc hội đã phân bổ. Địa phương là 399.808,030/449.841,531 tỷ đồng, đạt 88,9% số Quốc hội đã phân bổ.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hiện vẫn đang tích cực thực hiện công tác phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án, làm cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.