Vi phạm cả ba điều kiện để huỷ niêm yết, lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng cổ phiếu có thể ở lại HOSE
Ngày 8/12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 sau nhiều tháng trì hoãn.
Năm 2022, đánh dấu năm thứ ba Vietnam Airlines lỗ liên tiếp với mức lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 11.298 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn là 15.396 tỷ. Bên cạnh đó, cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 35.072 tỷ, vượt vốn điều lệ thực góp là 22.144 tỷ.
Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020 quy định rõ: "Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Vietnam Airlines đã vướng vào cả ba kịch bản hủy niêm yết theo quy định nói trên và nếu bị huỷ niêm yết doanh nghiệp có thể về UPCoM để giao dịch. Hiện nay, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) kể từ ngày 12/7/2023 do chậm nộp báo cáo kiểm toán năm 2022.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng cho rằng việc âm vốn chủ và thua lỗ ba năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HOSE.
Vietnam Airlines đang tiến hành các giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu trong đó tập trung vào các giải pháp tự thân để khắc phục hệ quả của COVID-19.
Còn dòng tiền cân đối để đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2023 và 2024 là tự thân Vietnam Airlines thông qua các giải pháp điều hành, cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ.
"Kỳ vọng sau một thời gian không lâu, Vietnam Airlines sẽ cân bằng được tài chính, khắc phục được hệ quả COVID-19, đưa trạng thái tài chính về an toàn. Chúng tôi cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi, cũng cần một thời gian không quá dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu của HOSE”, ông Trần Thanh Hiền nói.
Hồi tháng 9/2021, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, Vietnam Airlines đã đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phiếu HVN được đặc cách niêm yết tại HOSE dù có thể bị âm vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn.
Hiện, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đang nắm 55,2% vốn của Vietnam Airlines còn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sở hữu 31,14% vốn, tức nhà nước đang nắm hơn 86% vốn tại đây.
Nếu cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục được niêm yết HOSE thì đây là trường hợp ngoại lệ đầu tiên trên sàn chứng khoán vi phạm theo quy định mà không bị huỷ niêm yết.
Chốt phiên 15/12, cổ phiếu HVN dừng ở mốc 10.900 đồng/cp, tương đương với mức vốn hoá 24.137 tỷ đồng.