Vì sao căng thẳng giữa người Palestine và Israel lại leo thang thành bạo lực đẫm máu?
Trong tuần này, xung đột giữa người Palestine và Israel đã nhanh chóng leo thang thành một trong những đợt bạo lực tồi tệ nhất giữa hai bên trong vài năm trở lại đây.
Cách đây một tháng, chính phủ Israel đã cản trở một số cuộc tụ tập của người Palestine tại Jerusalem vào giai đoạn đầu lễ Ramadan. Sau khi lệnh hạn chế tụ tập được nới lỏng, căng thẳng tiếp tục xảy ra liên quan đến kế hoạch đưa hàng chục gia đình Palestine ra khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
Những cột khói bốc lên từ khu Hanada, thành phố Gaza sau một cuộc không kích của Israel
Ngày 10/5, Israel tổ chức kỷ niệm Ngày Jerusalem để chào mừng việc sáp nhập thành phố này. Và xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát Israel cùng người biểu tình Palestine quanh Thánh đường Al-Aqsa. Hàng trăm người Palestine bị thương trong xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát Israel. Người biểu tình đã ném gạch đá còn cảnh sát Israel sử dụng hơi cay và đạn cao su.
Ngày 11/5, phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas từ Dải Gaza bắn tên lửa nhằm vào Israel. Ngay ngày hôm sau 12/5, Israel đã không kích đáp trả, nhằm vào nhiều mục tiêu tại Dải Gaza.
Tới cuối ngày 12/5, tình hình bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa người Palestine và người Israel không có dấu hiệu giảm bớt khi Israel và Hamas tiếp tục phóng tên lửa và rocket trả đũa nhau.
Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo cuộc xung đột này có thể leo thang trở thành “một cuộc chiến tranh toàn diện”.
Nhưng chấm dứt bạo lực ngay lập tức có thể không phải là chuyện dễ dàng.
Tranh cãi vì khu dân cư Sheikh Jarrah
Như đã đề cập, Israel có kế hoạch đưa hàng chục gia đình Palestine ra khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem và cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm liên quan đến vấn đề đưa các gia đình người Palestine ra khỏi nhà họ ở Đông Jerusalem dường như sắp kết thúc bằng việc trục xuất.
Các gia đình này đã sống tại khu dân cư Sheikh Jarrah, ngay phía bắc Thành Cổ, từ năm 1956, theo một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian để tìm nơi ở tại Đông Jerusalem cho những gia đình mất nhà cửa tại khu vực đã trở thành Nhà nước Israel vào năm 1948.
Một tổ chức của Israel là Nahalat Shimon đang sử dụng một đạo luật từ năm 1970, được thông qua sau khi Israel giành quyền kiểm soát Đông Jerusalem, đã khẳng định rằng chủ sở hữu vùng đất này trước năm 1948 là những gia đình người Do thái, nghĩa là những người Palestine hiện tại đang ở đây có thể sẽ bị trục xuất và nhà cửa của họ sẽ thuộc vào người Do thái Israel.
Một tòa tháp tại thành phố Gaza sập ngày 12/5 sau đợt không kích của Israel
Người Palestine tuyên bố các luật phục hồi tại Israel là không công bằng, vì họ không có bằng chứng pháp lý nào để đòi lại nhà cửa, tài sản đã mất vào tay các gia đình người Do thái hồi cuối những năm 1940 ở khu vực đã trở thành Nhà nước Israel.
Tòa án tối cao Israel lẽ ra sẽ xét xử vụ kháng cáo liên quan tới Sheikh Jarrah vào ngày 10/5 nhưng Tổng chưởng lý Israel đã yêu cầu tạm hoãn phiên tòa.
Jerusalem đã luôn là phần nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Những thay đổi dù nhỏ đối với tình hình cũng có thể châm ngòi cho những cuộc biểu tình quy mô lớn.
Hàng trăm người Do thái cực đoan đã biểu tình khắp Jerusalem hồi cuối tháng 4 hô to khẩu hiệu bài người Ả rập, trong một đêm có hàng loạt vụ đụng độ tại các cộng đồng người Do thái và người Ả rập tại Jerusalem khi hai cộng đồng này tấn công nhằm vào nhau.
Đầu tuần này, cuộc tuần hành kỷ niệm Ngày Jerusalem, vốn đưa đoàn diễu hành đi qua khu vực người Hồi giáo sinh sống ở Thành Cổ, đã phải đổi tuyến đường để tránh xung đột leo thang hơn nữa.
Vì sao Đông Jerusalem lại nhạy cảm?
Trong gần 2 thập niên sau khi thành lập Nhà nước Do thái vào năm 1948, thành phố Jerusalem bị chia cắt. Phía Đông Jerusalem do người Jordan kiểm soát còn phía Tây do người Israel kiểm soát và lấy đó làm thủ đô.
Điều quan trọng là, Thành Cổ của Jerusalem cùng các địa điểm linh thiêng của thành nằm ở Đông Jerusalem.
Thành Cổ Jerusalem là nơi có nhiều địa điểm tôn giáo quan trọng: Núi Đền và Bức tường phía Tây của Do Thái giáo, Nhà thờ Mộ Thánh của Kitô giáo và Đền Mái vòm Đá cũng như Giáo đường Al-Aqsa của Hồi giáo.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem và kiểm soát toàn bộ thành phố. Israel cũng chiếm Bờ Tây sông Jordan, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai. Bán đảo Sinai được trả lại cho Ai Cập theo hiệp định hòa bình 1979. Nhưng Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Người Palestine có quyền tự trị rất hạn chế tại Gaza và một số phần của Bờ Tây, nhưng Israel vẫn duy trì kiểm soát toàn bộ các đường biên giới và an ninh.
Thực trạng tại Jerusalem hiện nay
Hiện nay, toàn bộ thành phố Jerusalem nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Israel tuyên bố không có sự khác biệt giữa phía đông và phía tây thành phố, coi thành phố Jerusalem là thủ đô thống nhất của mình. (Tuy nhiên, thành phố này tự bản thân nó chia cắt. Phía Đông Jerusalem phần lớn là người Palestine sinh sống, còn phía Tây Jerusalem chủ yếu là người Israel).
Nhưng luật pháp quốc tế coi khu Đông Jerusalem, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Gaza là những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mặc dù điều này không được Israel công nhận. Nghị quyết số 2334 của Hội đồng Bảo an năm 2016 tuyên bố các khu định cư của người Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine là vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế.
Người Palestine và lực lượng an ninh Israel dụng độ tại khu đền Al Aqsa ngày 10/5
Luật pháp quốc tế không phân biệt các khu định cư ở Bờ Tây hay khu định cư ở Đông Jerusalem, mà đều coi đó là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Thành Cổ, và đặc biệt là khu đền Al Aqsa được vận hành theo một thỏa thuận riêng. Israel chịu trách nhiệm an ninh, còn Jordan, thông qua một tổ chức Hồi giáo có tên Waqf thì quản lý các địa điểm tôn giáo.
Trong thời điểm bình thường, các tín đồ của các đạo giáo khác nhau đều được tới thăm viếng khu đền nhưng chỉ người Hồi giáo mới được cầu nguyện tại đây.
Người Palestine coi khu Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Quan điểm của cộng đồng quốc tế
Những nỗ lực trục xuất các gia đình người Palestine ra khỏi khu dân cư Sheik Jarrah vấp phải nhiều chỉ trích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price đã phát biểu hồi đầu tháng 5 rằng Mỹ “quan ngại sâu sắc về nguy cơ trục xuất các gia đình người Palestine ở các khu dân cư Sheikh Jarrah và Silwan ở Jerusalem, nhiều gia đình trong số đó đã sống tại đó nhiều thế hệ. Như quan điểm nhất quán của chúng tôi, cần tránh những bước đi làm gia tăng căng thẳng hoặc đẩy chúng ta cách xa hòa bình hơn nữa. Trong đó bao gồm những hành động như trục xuất tại Đông Jerusalem, xây dựng thêm khu định cư (của người Do thái), phá hủy nhà cửa và hành động khủng bố”.
Ủy ban châu Âu EC cũng đã lên án bạo lực và bày tỏ quan ngại về nguy cơ trục xuất người Palestine.
Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền ngày 7/5 tuyên bố việc đưa người dân Israel vào khu đất bị chiếm đóng có thể bị cấm theo luật nhân quyền quốc tế và có thể được cho là một tội ác chiến tranh.
Những lý do khác khiến căng thẳng leo thang trong vài ngày qua
Vụ trục xuất cư dân ở Sheikh Jarrah là một nguyên nhân gây căng thẳng nhưng sau đó đã nhanh chóng lan ra toàn thành phố và vượt ra ngoài Jerusalem.
Tình hình tại Jerusalem bản thân đã căng thẳng và còn bị ảnh hưởng lớn bởi một loạt các yếu tố tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hai ngày lễ cùng rơi vào dịp cuối tuần trong năm nay: Lễ Leylet el-Qadr vào đêm 8/5, được coi là đêm linh thiêng nhất trong năm, một trong hai dịp lễ quan trọng nhất của người đạo Hồi; và Lễ Ngày Jerusalem của Israel vào 9 và 10/5, ăn mừng ngày quân đội Israel giành quyền kiểm soát Thành Cổ năm 1967. Mỗi ngày lễ đều ảnh hưởng mạnh tới những tín đồ và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Và khi kết hợp vào cùng thời điểm thì càng dễ châm ngòi cho tình thế vốn đã rất căng thẳng tại đây.
Tình hình chính trị cũng là một trong những lý do căn bản khác khiến bạo lực tái bùng phát giữa Israel và Palestine.
Hệ thống phòng không không quân Vòm Sắt của Israel phóng tên lửa đánh chặn tên lửa phóng từ Gaza về phía Israel ngày 11/5
Ở thời điểm này, khi các chính khách Israel đang tập trung vào bảo vệ cho vị trí của họ thì những thành phần cực đoan đã lợi dụng để kích động thù hằn. Sau 5 nhiệm kỳ, Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước nguy cơ bị thay thể bởi liên minh chính trị với một lãnh đạo ôn hòa.
Nhưng sự việc tương tự từng tạo lợi thế cho ông Netanyahu. Năm 1996, ông Netanyahu là một ứng viên không mấy nổi bật trong đảng Likud. Khi đó xảy ra một làn sóng tấn công khiến Israel chấn động trong 3 tháng trước bầu cử. Ông Netanyahu đưa ra khẩu hiệu tranh cử “hòa bình kèm an ninh” và phác họa bản thân là ứng viên duy nhất có thể xử lý mạnh mẽ khủng bố. Điều này đã góp phần vào chiến thắng năm 1996 của ông.
Về phần Palestine, nhà lãnh đạo Palestine, Mahmoud Abbas hồi tháng 4 đã quyết định hoãn cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên trong 15 năm, kéo dài thêm thế giằng co giữa phong trào Fatah của ông (hiện đang kiểm soát Bờ Tây) với tổ chức Hồi giáo cực đoan Hamá (đang kiểm soát Gaza). Phong trào Hamas chưa thể tạo được đối trọng với Tổng thống Mahmoud Abbas trong bầu cử do vậy có thể đã “thử lửa” quyền lực bằng những “phương tiện” khác như bạo lực.
Đó là quyền lực của Jerusalem. Những cuộc biểu tình tại Jerusalem có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Israel và Bờ Tây, cũng như khiến các tổ chức cực đoan ở Gaza phóng tên lửa còn lực lượng phòng vệ của Israel cũng phải khai hỏa. Một tình huống bắt đầu ở một khu dân cư Jerusalem giờ đã lan rộng ra khắp khu vực và khiến cả thế giới lại tiếp tục chú ý tới Israel và các lãnh thổ của người Palestine một lần nữa.
T.T
Xem thêm: Xung đột dải Gaza: Gần 70 người thiệt mạng, có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện