Vì sao Dragon Capital mua thêm cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn của loạt ngân hàng Việt
Là quỹ đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên tới hàng tỷ USD, hoạt động cơ cấu danh mục của Dragon Capital luôn được giới đầu tư quan tâm bởi thường có chuyển giao quan trọng về mặt cổ đông.
Mới đây, các quỹ thành viên của Dragon Capital đã liên tiếp nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank và MB, chính thức trở thành cổ đông lớn của các ngân hàng này.
Cụ thể, ngày 1/3, Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB thông qua các quỹ thành viên nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng từ 4,99% lên 5%.
Không lâu sau đó, nhóm cổ đông nước ngoài này cũng thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5%, trở lại ghế cổ đông lớn sau gần 11 năm vắng bóng. Trước đó, quỹ đầu tư đã bán toàn bộ 61 triệu cổ phiếu, tương đương 6,66% vốn điều lệ ngân hàng vào tháng 8/2011.
Ngoài hai ngân hàng trên, vào tháng 5/2021, các quỹ của Dragon Capital đã mua vào 3,15 triệu cổ phiếu VPB, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,99% lên 5,12%, trở thành nhóm cổ đông lớn duy nhất của VPBank. Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Dragon Financial Holdings Limited (DFHL) hiện đang là cổ đông lớn tại ACB với 149,56 triệu cổ phiếu sở hữu, tương đương tỷ lệ 6,92%.
Việc Dragon Capital đầu tư thêm vào các ngân hàng trong năm nay không quá bất ngờ khi Giám đốc chiến lược đầu tư quỹ Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn từng nhận định ngân hàng là một trong các nhóm ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022.
Theo phân tích của Dragon Capital, năm 2022 hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho nhóm ngành ngân hàng, bao gồm khả năng tăng trưởng tín dụng trên 15%, nợ xấu có khả năng sẽ giảm rất mạnh, lợi nhuận được dự báo tăng trưởng vượt mức 30%, kèm theo các thông tin hỗ trợ như bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến, thậm chí một số ngân hàng có ý định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thông thường Dragon Capital thường đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong khoảng thời gian 5-7 năm. Tuy nhiên một số trường hợp có thể kéo dài đến chục năm như ACB hay Sacombank,…
Về hai ngân hàng nơi Dragon Capital mới trở thành cổ đông lớn, không chỉ có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, Sacombank và MB gần đây cũng nhận được nhiều đánh giá "có cánh" từ giới chuyên môn.
Đánh giá về triển vọng năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính MB sẽ đạt 21.479 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, MB sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đảm bảo giảm tỷ lệ nợ tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 0,9% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 323%.
Theo báo cáo tài chính công bố, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của MB đạt hơn 16.257 tỷ đồng, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số dư nợ xấu trong năm 2021 của MB tăng nhẹ lên 3.268 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu vẫn giảm từ 1,09% về 0,9%.
Ngân hàng cho biết tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, của riêng ngân hàng mẹ đạt gần 400% và hợp nhất gần 268%.
Nhóm chuyên gia cho rằng chất lượng tài sản của MB tốt hơn trung bình ngành và áp lực trích lập thấp nhờ tích cực trích lập xử lý tài sản sớm cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Ngoài ra, trong các năm tới, MB đặt ra mục tiêu yêu cầu các công ty con tăng trưởng doanh thu tối thiểu gấp 1,5 - 2 lần ngành. Để hỗ trợ mở rộng quy mô, thị phần và nâng cao hiệu quả hoạt động, MB đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược cho các công ty thành viên.
Mặt khác, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng MB sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022 với lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước.
Đồng thời, ROE của MB năm 2022 có thể đạt 26,3% - mức cao thứ hai toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo MB, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do NHNN cấp với con số kế hoạch lợi nhuận đạt 19.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Talkshow "Bí mật đồng tiền" số 11 với chủ đề "Hoa hậu làng bank", các chuyên gia đã đưa ra một đánh giá thú vị về Sacombank khi ví ngân hàng này như "công chúa ngủ trong rừng".
Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, bà Nguyễn Hằng Nga, đánh giá Sacombank là một ''cô gái xinh đẹp'' nhưng sở hữu một số vấn đề trong quá khứ. Hiện tại đã xử lý gần xong những ''vết sẹo'', cổ phiếu ngân hàng này bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.
Theo kế hoạch, Sacombank sẽ hoàn thành việc xử lý nợ xấu trong năm 2023 nhưng giới đầu tư kỳ vọng quá trình này có thể hoàn thành vào năm nay.
Số liệu công bố từ ngân hàng cho biết sau gần 5 năm dưới thời ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay.
Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02 của NHNN xuống còn 1,35%.
Nếu nợ xấu nội bảng năm 2017 là hơn 9.400 tỷ, chất lượng tài sản năm 2021 được cải thiện khi số dư nợ xấu giảm gần một nửa xuống còn 5.086 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,7% hồi đầu năm xuống 1,47% cuối năm.
Với việc nâng bộ đệm dự phòng rủi ro cho vay lên 6.917 tỷ (tăng 27,8%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Sacombank đã tăng từ mức 93,6% lên 120,9%.
Ngoài ra, khoản mục chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giữ đến ngày đáo hạn (bao gồm trái phiếu của VAMC) đã giảm 13% xuống gần 23.728 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2021 của Sacombank đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2020 và vượt 10% kế hoạch năm.
Chứng khoán SSI cũng từng nhận định quá trình xử lý tài sản có vấn đề của Sacombank vẫn đang đúng tiến độ và đây vẫn là điểm then chốt cho luận điểm đầu tư vào cổ phiếu STB. Nhóm chuyên gia ước tính tài sản có vấn đề đã giảm 31% so với cùng kỳ còn 26.600 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021.
Trong năm 2022, Sacombank đang có kế hoạch mua lại phần vốn với tỷ lệ 32,5% do VAMC đang quản lý sau khi tiến hành tất toán khoản trái phiếu của VAMC, theo Chứng khoán MB (MBS)
Cũng theo chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng này, phần vốn này sẽ được bán đấu giá với mức giá tối thiểu 33.000 - 34.000 cổ phiếu để có thể có đủ nguồn lực tất toán lãi và lãi phạt liên quan đến khoản trái phiếu này.
Công ty chứng khoán đánh giá điều này sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường.
Ngoài ra, việc tất toán toàn bộ khoản trái phiếu này cũng giúp Sacombank giảm được các áp lực trích lập dự phòng đồng thời sẽ có nhiều cơ sở để nhận được hạn mức tín dụng cao hơn trong tương lai.
Với kế hoạch trên, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng Sacombank là ứng cử viên rõ ràng nhất cho việc nới 'room' ngoại lên 49% theo cam kết EVFTA.
Các chuyên gia cho rằng việc bán 32,5% này trong một lần sẽ tính đem lại giá trị cao nhất cho giá cao nhất cho VAMC, và bởi vì số cổ phần này vượt quá ngưỡng FOL 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA.