Vì sao giá xăng liên tục tăng?

16:00 | 27/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Công Thương, giá nhiên liệu thế giới là nhân tố chính ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước.

Cụ thể, thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm...

Từ đó, theo Bộ Công Thương các yếu tố kể trên đã tác động khiến giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.  

Hôm qua, ngày 26/10 liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước dù đã dùng tới Quỹ bình ổn. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; xăng RON 95 thêm 1.460 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 120-1.170 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Kết quả của kỳ điều chỉnh làm xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng một lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).

Trong khi đó, ngày 25/10 cũng chứng kiến phiên tăng giá lịch sử của mặt hàng dầu thô, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn có thời điểm chạm mức 85,41 USD một thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014, trước khi giảm về 83,76 USD một thùng ở cuối phiên. Dầu thô Brent cũng có thời điểm tăng vọt lên 86,43 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9.

Mức giả kỷ lục được thiết lập có nguyên nhân bởi nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới không ngừng tăng, sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó còn cộng hưởng từ việc thiếu nguồn cung khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu trong khi mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm...đã tạo đà tăng cho giá dầu lên cao. Goldman Sachs còn đưa ra dự báo rằng giá dầu Brent khả năng vượt mức 90 USD một thùng.

Nếu cứ tiếp tục đà này, giới chuyên gia tin rằng  thì mỗi lít xăng có thể tiến gần với mức giá khoảng 25.000 đồng. Lần tăng giá xăng dầu hôm 26/10 đã là tăng giá thứ 4 liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua và là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, liên bộ Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục thông tin rằng giá xăng dầu trong nước vẫn điều chỉnh thấp hơn mức tăng của giá thế giới, nhờ công cụ Quỹ bình ổn giá.

Phía cơ quan quản lý cho biết thêm, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục 100-200 đồng một lít, kg với mỗi loại xăng, dầu từ đầu năm đến nay. Kỳ điều hành hôm qua nếu không tăng chi quỹ với xăng E5 RON 92 và RON 95, giá các mặt hàng này tăng lần lượt là 1.859 đồng và 2.527 đồng một lít.

"Nhờ dùng quỹ bình ổn nên giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn mức biến động giá thế giới", liên Bộ Công Thương - Tài chính nhận định trong thông cáo phát đi chiều 26/10.

Về tác động với nền kinh tế

Các thống kê chỉ ra, bình quân 9 tháng đầu năm 2021 này giá xăng dầu đã tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.

Nhiều hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Ông Lâm nhận định rằng chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Từ đó, chúng ta có thể thấy được xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Ngoài ra, theo ông Lâm không thể nhắc tới giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Kết luận trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Cục trưởng nhận định: Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. 

Giải pháp nào để giải quyết bài toán xăng dầu ảnh hưởng đến kinh tế? 

Trả lời với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng khi tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn, Bộ Công Thương nên giảm giá xăng dầu để hỗ trợ. Một số vấn đề nghịch lý trong câu chuyện kinh doanh dầu cũng được chỉ ra là hiện tại Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đảm nhiệm đến hơn 80% lượng tiêu thụ là 45 triệu lít xăng.

Trong khi tồn kho nhà máy hàng chục triệu tấn mà vẫn nhập xăng dầu nước ngoài về bán cho dân. Đây là là bài toán cần được giải đáp. Hồi tháng 9, tình trạng hàng tồn kho cả trong lẫn ngoài nhà máy đã chất đầy, khiến lọc dầu Dung Quất phải lần đầu tiên trong lịch sử "ép" công suất chạy máy về mức chỉ 80% và đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động.

Nếu các cơ quan quản lý  lấy được hàng triệu lít xăng trong nước sẽ góp phần giải quyết được công ăn việc làm và từ đó làm căn cứ vào đó điều hành giá xăng dầu.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Phú nghi ngờ về tính hiệu quả, chưa chắc đã có thể mãi chống đỡ xu hướng tăng giá xăng dầu liên tiếp như hiện nay. Nhà nước cần chuyển đổi chiến lược, dự trữ xăng dầu thay vì duy trì quỹ như hiện tại. 

Còn chuyên gia Nguyễn Bích Lâm tin rằng, do sự quan trọng của xăng dầu đối với sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế, giá mặt hàng này có thể tăng đến đầu năm sau thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.