Vì sao lợi nhuận nửa đầu năm 2023 của Digiworld (DGW) giảm một nửa?
Theo báo cáo tài chính soát xét, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 Digiworld ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.555 tỷ đồng, giảm 28% so với gần 12.000 tỷ đồng của năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 162,4 tỷ đồng, giảm 53% so với mức lãi 348 tỷ đồng nửa đầu năm 2022.
Công ty cho biết, nguyên nhân sụt giảm này hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng đi xuống do nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, ghi nhận doanh thu 2.426 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 44% kế hoạch năm đề ra.
Tương tự, mảng điện thoại di động cũng chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế hiện tại. Kết thúc nửa đầu năm, doanh thu mảng điện thoại di động đạt 4.089 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47% kế hoạch năm.
Mảng thiết bị văn phòng ghi nhận mức giảm thấp hơn nhờ sự đóng góp doanh thu của Công ty Achison, doanh thu mảng này giảm 12% so với cùng kỳ, đạt doanh thu 1.410 tỷ đồng, hoàn thành 37% kế hoạch năm.
Mảng hàng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 290 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ vào việc Digiworld gia nhập ngành hàng đồ uống và bắt tay với hai ông lớn là ABInbev và Lotte Chilsung.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Digiworld mới hoàn thành 43% kế hoạch năm về doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Về tình hình tài chính, tính đến hết 30/6/2023, DGW ghi nhận tổng tài sản 6.560 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 6.032 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty tăng nhẹ so với hồi đầu năm, đạt 963 tỷ đồng.
Tài sản ngắn hạn của công ty chủ yếu tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn (2.355 tỷ đồng, tăng 49%). Trong đó có hơn 750 tỷ từ Thế giới Di Động, 215 tỷ từ FPT và một số đơn vị khác. DGW đã trích lập dự phòng rủi ro khó đòi hơn 10 tỷ đồng.
Hàng tồn kho còn 2.592 tỷ đồng (giảm 20,3%), chủ yếu là hàng hoá và hàng đang đi đường. Theo thuyết minh, doanh nghiệp đã thế chấp một phần hàng tồn kho để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.
Tính đến hết tháng 6/2023, nợ phải trả của DGW là 4.006 tỷ đồng, tăng nhẹ 74 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, với vốn chủ sở hữu của công ty là 2.553 tỷ đồng, nợ phải trả đang cao gấp 1,56 lần vốn chủ sở hữu và chiếm đến 61% tổng nguồn vốn. Số nợ phải trả của Digiworld chủ yếu là nợ ngắn hạn (hơn 3.985 tỷ đồng). Vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn và dài hạn) 2.131 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ.
Trong báo cáo doanh nghiệp ngày 21/8 vừa qua, Chứng khoán VNDirect nhận định, những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn trong nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu. Các dấu hiệu này củng cố cho sự phục hồi của tỷ lệ việc làm, dẫn đến tăng thu nhập và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, một loạt yếu tố sẵn sàng thúc đẩy tiêu dùng cuối năm, bao gồm chính sách giảm thuế VAT và tăng lương cơ bản cho các công chức, lãi suất tiếp tục đà giảm tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng trở lại sau khi nợ xấu dần được kiểm soát, và các sản phẩm mới được ra mắt vào dịp cuối năm, dự kiến sẽ kích thích tiêu dùng trong giai đoạn nửa cuối 2023 - 2024. Do vậy, công ty chứng khoán kỳ vọng những yếu tố này sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của DGW.
VNDirect dự báo doanh thu nửa cuối năm 2023 của DGW tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng giảm 3%. Cho cả năm, doanh thu và lợi nhuận được kỳ vọng đạt 21.440 tỷ và 486 tỷ, giảm 2,8% và 29% so với năm 2022.
Trong năm 2024, chuyên gia kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này sẽ tăng lần lượt 14% và 42%, lên 24.431 tỷ đồng và 690 tỷ đồng (trở lại mức của năm 2022).