Lãi suất tăng, đơn hàng giảm: Ngành tiêu dùng không thiết yếu đứng trước nhiều sức ép
'Ông lớn' DGW cũng 'khó bứt phá'
Là doanh nghiệp chiếm thị phần top đầu trong lĩnh vực công nghệ, thế nhưng mới đây, Digiworld (mã: DGW) đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm trong nhiều phiên liên tiếp. Kết phiên 24/11, giá cổ phiếu DGW dừng ở mức 35.100 đồng, giảm hơn 60% so với mức đạt đỉnh hồi tháng 4.
Trong văn bản giải trình gửi cổ đông, phía công ty cho biết, giá cổ phiếu giảm do tình hình thị trường khó khăn và doanh nghiệp đang tích cực làm việc với các nhãn hàng như Apple, Xiaomi, HP, Dell, Acer, Asus,… để kích cầu cũng như tăng nguồn cung phục vụ thị trường.
Trong báo cáo tài chính riêng (chưa tính các công ty con), tính đến hết quý III, tổng nợ phải trả của DGW gần 4.270 tỷ đồng, trong khi tổng vốn chủ sở hữu 2.254 tỷ đồng.
Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất Quý III cho thấy, tổng nợ phải trả hơn 4.369 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn là hơn 4.359 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu gần 2.241 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, trong quý, DGW ghi nhận doanh thu thuần 6.065 tỷ đồng, tăng 59%; lãi ròng 180 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 17.984 tỷ đồng, tăng 38%; lãi ròng đạt 528 tỷ đồng, tăng 59% so với 9 tháng 2021.
Về triển vọng các tháng cuối năm, DGW đặt mục tiêu doanh thu thuần quý IV ở mức 7.500 tỷ đồng, giảm 5,3%; lợi nhuận ròng 300 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này phù hợp với nhận định của giới phân tích rằng ngành tiêu dùng không thiết yếu sẽ chịu tác động tiêu cực trong bối cảnh môi trường tài chính kém thuận lợi thời điểm cuối năm.
Trong báo cáo ngày 18/11 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về triển vọng của DGW, chuyên gia cho biết công ty sẽ khó bứt phá khi tình hình vĩ mô khó khăn.
BVSC cho biết DGW đang giả định biên lợi nhuận ròng quý IV mở rộng so với quý III lên 4%, nhờ các yếu tố như: iPhone 14 có biên lợi nhuận cao ở đầu chu kỳ; tối ưu chi phí hoạt động và một số khoản hoàn nhập dự phòng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ công ty chứng khoán này, kế hoạch của DGW có vẻ tham vọng tại thời điểm hiện nay, khi triển vọng quý IV nhiều khả năng ảm đạm do nhu cầu suy giảm và vấn đề nguồn cung (chính sách zero-Covid của Trung Quốc tác động lên các hoạt động sản xuất, khiến khan hiếm nguồn cung iPhone 14 pro và 14 promax).
Doanh nghiệp tiêu dùng không thiết yếu 'khó trăm bề'
Nhận định chung về triển vọng ngành tiêu dùng không thiết yếu, các chuyên gia từ BVSC cho rằng tác động từ môi trường lãi suất tăng và đồng VND mất giá so với USD sẽ gây ảnh hưởng đáng kể, và chỉ có những công ty nào có nền tảng tài chính mạnh thì mới có thể giảm thiểu được phần nào tiêu cực.
Chia sẻ với Doanh nhân Việt Nam, ông Trần Ngọc Bắc - Giám đốc chi nhánh miền Nam Công ty cổ phần TM&SX Nội thất The One (Tiền thân là Nội thất Hòa Phát) thừa nhận trong bối cảnh lạm phát, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và giảm mua sắm các mặt hàng không thiết yếu, các doanh nghiệp kinh doanh như The One cũng bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Trong những tháng cuối năm, hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi môi trường tài chính kém thuận lợi.
“Khi nền kinh tế có những ảnh hưởng về sức mua và tiêu thụ thì chắc chắn khối doanh nghiệp, người dân mua sắm bàn ghế văn phòng hay những sản phẩm dùng cho công trình, dự án đều có sự sụt giảm nhất định", ông Bắc cho hay.
Với quy mô nhỏ hơn, Công ty TNHH nội thất Hồng Nhật cũng chịu tác động lớn từ tình hình thị trường. Anh Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty cho biết: “Dưới tác động của dịch bệnh, diễn biến địa chính trị thế giới và room tín dụng tại các ngân hàng trong nước chỉ còn khá hẹp, gần như tất cả doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Như mọi năm, đến tầm tháng 9, 10 là doanh nghiệp tạm ngừng nhận đơn đặt hàng vì có quá nhiều, thế nhưng năm nay vẫn phải nhận.
Tôi là người rất chịu khó đi tìm hiểu thị trường, đi khắp mọi nơi và thấy rằng chưa năm nào sức mua sắm chậm như năm nay. Như những năm trước, vào thời điểm tháng 10, 11, 12 thì hàng chợ (mặt hàng giá rẻ, đa dụng, sản xuất hàng loạt - PV) đều không đủ để bán. Nhưng năm nay cũng không thể bán được”.
Tuy nhiên, khi nói về cơ hội phục hồi và triển vọng ngành, anh Tuấn khẳng định mặt hàng gỗ vẫn được người dân ưa chuộng nên tương lại còn rất sáng.
Tương tự như vậy, “sân chơi” của những sản phẩm cao cấp (điển hình là trang sức) cũng đang chứng kiến nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp cùng ngành.
Điển như vào giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Thế Giới Di Động chính thức thông báo đóng mảng trang sức AVAJi sau 6 tháng ra mắt thị trường. Trước đó, đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán phụ kiện trang sức chính hãng như đồng hồ, dây chuyền, nhẫn, mắt kính, bông tai… trong phân khúc sản phẩm từ bình dân tới trung cấp.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, các chuỗi mới mở được xem như những dự án khởi nghiệp. “Công ty sẵn sàng bỏ ra vài chục tỷ để khởi nghiệp các mô hình kinh doanh mới. Chỉ cần vài ba chuỗi trong số này thành công thì có thể mở rộng ra toàn quốc”.
Thay đổi tư duy và chiến lược kinh doanh là con đường "sống còn"
Nhìn trong ngắn hạn, BVSC vẫn kỳ vọng tiêu thụ nhóm hàng không thiết yếu diễn biến tốt trong quý IV này, do được thúc đẩy bởi yếu tố thời vụ: World Cup, mùa cưới và Tết âm lịch 2023 đến sớm hơn thường lệ.
Thế nhưng, triển vọng 2023 đối với hàng hóa không thiết yếu được nhận định kém thuận lợi hơn dưới áp lực lạm phát. Điện tử tiêu dùng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tăng trưởng, nguyên do thị trường bất động sản trầm lắng và lãi suất cao hơn.
Để hạn chế tác động tiêu cực bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải quản lý tốt tồn kho, thanh khoản và dòng tiền. Đồng thời có những sáng tạo, cải tiến trong kinh doanh.
Như trường hợp của Công ty cổ phần TM&SX Nội thất The One, ông Trần Ngọc Bắc cho hay phía công ty đã có những tiên lượng trước về môi trường khó khăn, thách thức để từ đó nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo sức khỏe tài chính của doanh nghiệp; đồng thời có những chỉ đạo sát sao để mảng kinh doanh, quản lý dòng tiền luôn được khơi thông, không bị vướng mắc.
Chia sẻ về giải pháp vượt qua khó khăn và triển vọng ngành trong thời gian tới, ông Bắc cho biết: "Trong bối cảnh thị trường, sức mua chưa tốt thì Công ty sẽ triển khai loạt giải pháp trong mảng thị trường, nghĩa là phát triển thêm những thị trường mới, tập trung chăm sóc tốt hơn nữa hệ thống đại lý để giải quyết tiến độ đơn hàng nhanh nhất, đáp ứng những dịch vụ tốt cho người mua, giữ vững được thị phần của mình.
Ngành nội thất, đặc biệt là mảng nội thất văn phòng và công trình phụ thuộc khá nhiều vào mảng chi tiêu công và sự hồi phục của bất động sản tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng hết quý I/2023 nền kinh tế sẽ khởi sắc, sức tiêu thụ sẽ tốt hơn từ quý II/2023 trở đi".
Từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023: 'Cùng Doanh nghiệp vượt sóng’ hôm 17/11 rằng trong bối cảnh nhiều thách thức, doanh nghiệp nên áp dụng chuyển đổi số nhằm thích ứng tốt hơn và sớm vượt qua khủng hoảng.
"Kinh nghiệm cho thấy, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng, họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn... Những doanh nghiệp dù rất lớn mạnh, nhưng không chuyển đổi số có thể khả năng phục hồi chậm hơn và sau khủng hoảng rất khó để đạt được trạng thái đã có trước đó. Riêng những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng chuyển đổi số sẽ bị rơi vào tầng rất sâu và khó bật trở lại. Cắt giảm chi phí là cần thiết nhưng không phải cắt tất cả, chúng ta cần phải chi tiêu cho chuyển đổi số", ông Nguyễn Trọng Đường phân tích.
Còn ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thì khẳng định trước thách thức, doanh nghiệp cần có vai trò chủ động trong việc phát huy nội tại để chống đỡ với những "đợt sóng".
"Khó khăn là điều không thể bàn cãi nhưng rõ ràng, những khó khăn đang hiện hữu sẽ khiến DN có thêm nhiều sự sáng tạo", ông Nguyễn Hồng Long nói. Theo đó, ông Long khuyến nghị doanh nghiệp một số giải pháp như dự trù kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước; tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính.