Vì sao nông sản sạch 'cạch mặt' siêu thị?
Có thể khẳng định, đặc sản vùng miền thông qua hệ thống siêu thị đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều và khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc nông sản Việt khó vào siêu thị đang là thực tế tồn tại hiện nay.
Lấy ví dụ như sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đã có giấy chứng nhận VietGAP. Ở thời điểm chính vụ, sản lượng củ cải tăng gấp đôi, do vậy, hợp tác xã từng muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị. Thế nhưng, cũng như nhiều hợp tác xã nông nghiệp khác, hợp tác xã này tỏ ra ngán ngẩm sau nhiều lần cố đưa sản phẩm của mình vào siêu thị.
Cùng vấn đề tương tự, HTX rau sạch Lĩnh Nam cho biết, hiện tại, địa phương này có 170 ha diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, 74,4 ha được sử dụng trồng RAT, 12,5/74,4 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
Với diện tích nói trên, trung bình tổng sản lượng rau hàng ngày của Hợp tác xã ở mức trên dưới 10 tấn. Trước khi có dịch Covid-19, hàng ngày HTX xã thu mua từ 1,5 đến 2 tấn rau, hiện tại, con số này chỉ dừng lại ở mức 800 kg/ngày.
Theo giải thích của đại diện HTC, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ quan, trường học, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể đều đóng cửa. Hiện tại, tình trạng thiếu kênh phân phối là khó khăn chung của các đơn vị sản xuất nông sản. Tuy nhiên, khi được hỏi tới việc đưa rau vào siêu thị, ông Minh tỏ ra "ngán ngẩm".
Cụ thể, đại diện HTX cho biết, ngay từ thời điểm năm 2004, khi được chứng nhận vùng sản xuất RAT, HTX Lĩnh Nam đã nghĩ đến việc đưa sản phẩm vào phân phối tại các siêu thị. Tuy nhiên đến nay việc này đã không còn mặn mà bởi siêu thị đòi hỏi chiết khấu quá cao, đồng thời yêu cầu chính sách đổi trả vô lý, khiến người sản xuất khó lòng đáp ứng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội thừa nhận, hiện tại, tình trạng siêu thị chiết khấu cao đang diễn ra phổ biến. Nếu không sớm giải quyết, nhà sản xuất sẽ khó tìm đầu ra cho sản phẩm đặc biệt là nông sản.
Lấy dẫn chứng cụ thể trong câu chuyện mặt hàng cá sạch của Hợp tác xã Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) đầu tư công nghệ cao, sản phẩm chất lượng mà vẫn khó vào siêu thị, ông Vũ Vinh Phú phân tích:
"Theo như các phương tiện truyền thông phản ánh thì nhà phân phối đã đi xem, đánh giá chất lượng cá tốt, song khi mua siêu thị lại mua bằng với giá cá không sạch, chiết khấu 30% và 3 tháng sau mới thanh toán. Hiện nay, 80% hàng vào siêu thị là phải ký gửi. Với các cách thức làm việc chiết khấu và thanh toán chậm như trên, rõ ràng siêu thị đang chiếm dụng vốn rất "hợp lý
Tuy nhiên, không phải siêu thị nào cũng như thế. Hiện vẫn còn những siêu thị rất tốt như Hapro, cùng một lô miến như trên chỉ chiết khấu chỉ bằng 1 nửa của siêu thị khác. Hay như Vinmart chiết khấu 0% trong vòng 1 năm cho những nhà thực phẩm tươi sống", Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần có "bàn tay" của Nhà nước để vừa bảo vệ người sản xuất, vừa đảm bảo cho đơn vị phân phối có lợi nhuận.
"Ví dụ như Thái Lan là quốc gia có Luật Mía đường khá chặt chẽ. Theo luật này, khi bán 1 kg đường ra thị trường thì được luật hóa 60% lợi nhuận thuộc về người nông dân, còn 40% là các nhà buôn bán chia nhau. Chính sách này rất rõ ràng minh bạch. Chúng ta chưa đến nỗi phải luật hóa nhưng chúng ta phải có những quy định nào đó để cho người sản xuất của cải vật chất đỡ thiệt thòi", Chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Để ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận an toàn thực phẩm. Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay...
Cần hỗ trợ nông dân tìm thị trường
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Đào Thế Anh, phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cho rằng tiêu thụ nông sản theo thị trường nên những đơn vị sản xuất phải có kế hoạch thị trường, không ai làm thay được. Nhưng muốn xây dựng kế hoạch thị trường, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản thì trước tiên người nông dân phải tham gia các hợp tác xã để có quy mô sản xuất đủ lớn.
Các vùng trồng nông sản cần thúc đẩy việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới để giải quyết vấn đề thị trường. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đang nghiên cứu về kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp để hỗ trợ nông dân.
"Chính phủ đã ban hành nghị định 98/2018/NĐ-CP khuyến khích các hợp tác xã kết nối với các kênh thị trường khác nhau. Một là liên kết với doanh nghiệp chế biến, hai là liên kết với kênh phân phối chính thống như hệ thống siêu thị, kể cả bán đi Trung Quốc cũng cần chuyển dần sang thương mại chính ngạch. Để hạn chế ùn ứ nông sản mỗi vụ thu hoạch, các hợp tác xã phải tổ chức nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng, có hợp đồng rõ ràng để tránh bị ép giá", PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.