Vì sao Thanh Hóa nằm trong top dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công?
Đứng thứ 2 của cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh Thanh Hóa quản lý là trên 10.300 tỷ đồng, bao gồm: Kế hoạch vốn năm 2020 đã được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2021 là trên 1.000 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 là trên 9.200 tỷ đồng. Trong tổng số kế hoạch vốn năm 2021 được Trung ương giao cho tỉnh Thanh Hóa, đến hết ngày 27/9, đã có gần 9.000 tỷ đồng được giao kế hoạch chi tiết.
Được biết, đến ngày 27/9, giá trị khối lượng thực hiện của các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt trên 7.400 tỷ đồng, bằng 74,4% kế hoạch giao chi tiết và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân đạt trêm 8.100 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch giao chi tiết và tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2021 tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, trong số 126 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 có 109 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 60% kế hoạch, 17 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60% kế hoạch. Trong đó, một số đơn vị còn số vốn chưa giải ngân rất lớn như: Sở Giao thông - Vận tải 477 tỷ đồng, UBND thị xã Nghi Sơn còn 291 tỷ đồng, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp 141 tỷ đồng, UBND huyện Hoằng Hóa 98 tỷ đồng, UBND huyện Triệu Sơn 95 tỷ đồng.
Nhiệm vụ then chốt của năm 2021
Cùng với những thành tựu giải ngân đầu tư công, thời điểm hiện tại tỉnh này vẫn còn gặp một số khăn khó dẫn đến tình hình giải ngân vốn ở một số dự án còn chậm, trong đó nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên chưa được giao kế hoạch năm 2021. Một số dự án bố trí vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2021, nhưng hiện chưa nhập đủ dự toán vào tài khoản của chủ đầu tư. Một số dự án có dư vốn tạm ứng lớn, chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2021.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương, khu vực trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và phương án tài chính của nhà thầu thi công. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều bất cập. Một số dự án trọng điểm có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nên quá trình lập phương án bồi thường mất nhiều thời gian. Công tác chuẩn bị đầu tư ở một số dự án còn chậm. Tiến độ thu hồi số dư vốn tạm ứng của các dự án có số dư vốn ứng lớn bị kéo dài. Năng lực chuẩn bị dự án và tổ chức thực hiện dự án của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mới đây, tại cuộc họp với Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm suy giảm động lực tăng trưởng từ các nguồn vốn khác, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kích hoạt thêm các dự án hạ tầng kỹ thuật vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiêu thụ nguyên vật liệu hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Đồng thời, ông Thi đề nghị các chủ đầu tư, các cấp, ngành liên quan tiếp tục phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm trong công việc, xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt của năm 2021.
Các chủ đầu tư vào cuộc tháo gỡ các rào cản trong quá trình thực hiện dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Đôn đốc nhà thầu bố trí nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; hoàn thành việc thu hồi vốn tạm ứng của các dự án có số vốn tạm ứng lớn.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,66%, cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ và ước tính đạt 9,01% trong năm 2021.
Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình trong nước, thế giới và thực tế bối cảnh của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, như sau: GRDP đạt 12,3% trở lên, tổng giá trị xuất khẩu đạt 5,4 triệu USD trở lên, huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 27.600 tỷ đồng, thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, kế hoạch đầu tư công năm 2022 dự kiến là 12.380 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch ứng phó kịp thời, linh hoạt trong phục hồi kinh tế và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhất là các lĩnh vực chịu tác động nặng nề. Đồng thời, sát sao trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thực chất nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Địa phương cũng sẽ giao sớm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án.