Vì sao tiệm tạp hóa truyền thống vẫn chiếm thế `thượng phong` lấn át siêu thị hiện đại?

06:45 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiếm 3/4 tổng doanh thu ngành bán lẻ, kênh bán lẻ truyền thống vẫn luôn khẳng định vai trò "thống trị" tại thị trường Việt Nam bởi thói quen tiêu dùng của người Việt.
Nhắc đến những cửa hàng tạp hóa, ấn tượng trong chúng ta là những cửa tiệm "cái gì cũng bán" ngay sát bên cạnh nhà, chỉ cần dừng xe hoặc gọi với vào trong là cô chủ sẽ mang hàng đến tận tay.

Qua ghi nhận, trong thời đại của thương mại điện tử và các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại thì kênh phân phối truyền thống vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong thị phần bán lẻ và cả trong lòng của người tiêu dùng.
 
Vì sao tiệm tạp hóa truyền thống vẫn chiếm thế `thượng phong` lấn át siêu thị hiện đại? - ảnh 1
Những tiệm tạm hóa vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc trong thị phần bán lẻ và cả trong lòng của người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong nhiều năm liên tục phát triển, đến nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ đóng góp 17% trong thị trường bán lẻ với 7.800 cửa hàng. Thị phần lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hoá với tỷ lệ bao phủ 83% với 1,7 triệu cửa hàng.

Điều gì hấp dẫn được người tiêu dùng đến với các cửa hàng tạp hóa?

"Điều hấp dẫn thứ nhất là giá bán sản phẩm. Đặc điểm của kênh bán lẻ truyền thống là chi phí vận hành rất thấp, bao gồm chi phí thuê nhà, chi phí nhân viên, chi phí điện nước kèm với chi phí logistic. Dẫn đến giá thành của một sản phẩm bán ra ở mức rất cạnh tranh. Yếu tố thứ 2 là tính linh hoạt. Bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào cũng dễ dàng mọc ra trong một ngõ nhỏ, một ngách nhỏ, hoàn toàn phù hợp với cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, tính phong phú của giỏ hàng, những mặt hàng có tính địa phương hóa cao", nhận định của bà Lê Minh Trang, Quản lý cấp cao bộ phận đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam nói trên truyền hình.

Chính nhờ những tiện lợi, linh hoạt, phong phú và cả một phần văn hóa trên đã xây dựng một vị trí vững chắc cho kênh bán lẻ truyền thống trong thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.

Đài truyền hình VTV công bố một khảo sát trong một số hội nhóm trên mạng xã hội đã thu thập được vô vàn ý kiến giải đáp cho câu hỏi vì sao kênh bán lẻ truyền thống vẫn luôn khẳng định vai trò thống trị trên thị trường Việt Nam.

"Ngắn gọn là Tiện, nhanh, ngồi trên xe máy ới vào mua hàng cũng được, xe vẫn nổ xong phóng đi luôn. Siêu thị thì gửi xe, gửi túi, xếp hàng, thanh toán, lấy đồ, lấy xe mất cả nửa ngày".

"Vì tạp hóa còn cho người quen nợ, chứ làm gì có cái siêu thị nào bán nợ".

"Ở khu nhà mình siêu thị phải đến 6-7 cái, nhưng vẫn mua tạp hóa nhiều hơn vì rẻ mà còn nhiều đồ hơn vì toàn cửa hàng tạp hóa lớn".

"Vì tạp hóa tiện, ngồi trên xe cũng mua được đồ, vào siêu thị chỉ khi nào rảnh rỗi hoặc dự định mua nhiều thứ thích chọn lựa thôi".

"Nơi mà tôi không dùng từ tính tiền cho mình mà dùng từ 'để cho cháu, tí mẹ cháu gửi tiền'".

"Tiệm tạp hóa còn là trung tâm nghe nhìn của cả xóm. Chỉ cần ghé qua là biết được tình hình trong nước và quốc tế, giá vàng lên xuống!!!".

"Tôi vẫn ủng hộ tiệm tạp hóa, cả ngày ngồi trong tòa nhà, chiều về tạt ngang tiệm tạp hóa thấy cuộc sống có con người, có sinh khí, có chất đời. Vào các siêu thị thi giống như chui từ cái hộp này sang cái hộp khác. Chán!".
 
Ghé vào một cửa hàng tạp hóa bất kỳ nào chúng ta đều có thể nghe được những âm thanh dung dị đời thường như một thói quen. 



Những lời nhận xét trên đã phần nào nổi bật được bức tranh thú vị của thị trường bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay.

"Việt Nam là một văn hoá cộng đồng kết nối và ngay chính những chủ hàng tạp hoá lại là những người hàng xóm thân thiết cùng mình trong bao nhiêu năm rồi. Ngoài những khi mua sản phẩm, tiệm tạp hoá còn chia sẻ về những câu chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện thời sự", bà Lê Minh Trang, Quản lý cấp cao bộ phận đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết thêm.

Số liệu từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, đã gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25% - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%).
 
Vì sao tiệm tạp hóa truyền thống vẫn chiếm thế `thượng phong` lấn át siêu thị hiện đại? - ảnh 2
 
Bán lẻ truyền thống vẫn là kênh phân phối chủ yếu tại Việt Nam

TS. Nguyễn Hoài Long, Trưởng Bộ môn Bán hàng và Digital Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải về sự "trường tồn" này bởi 5 lợi thế đặc biệt, đó là: Sự tiện lợi - sự phù hợp - dịch vụ tốt - bán qua mối quan hệ gần gũi - chi phí thấp.
 
Mô hình bán lẻ truyền thống đang tìm cách thích nghi thời đại số

Mặc dù đang chiếm ưu thế và giữ thế thượng phong trong ngành bán lẻ tại Việt Nam nhưng bán lẻ truyền thống cũng đã phải vượt qua chính mình để phù hợp hơn trong thời đại mới bởi nhà nước sẽ mở rộng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể từ giờ tới cuối năm, Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp dịch vụ Mobile Money.

Đối với những của hàng tạp hóa, lượng hàng hóa mua bán mỗi ngày khá lớn, trong khi mọi giám sát chỉ trông chờ vào màn hình camera. Dù đã quen cầm chắc trong tay tập tiền nhưng vẫn không tránh khỏi đau đáu việc tính toán dần dần không còn được nhanh nhạy như trước. Đó không chỉ là nỗi lo cá nhân mà còn là bài toán chung cho mô hình bán lẻ truyền thống. Bài toán về sự thích nghi trong thời đại số.

Những cửa hàng tạp hóa mới vẫn đang tiếp tục mọc lên, len lỏi từng ngõ ngách, phục vụ hơn 90 triệu người dân Việt.

Giới chuyên gia đánh giá, mô hình bán lẻ truyền thống như tiệm tạp hóa sẽ luôn chỗ đứng khi biết cách thích ứng trong thời đại công nghệ mới. Trong tương lai, ở thị trường bán lẻ lên tới 162 tỷ USD (2019), mô hình bán lẻ truyền thống muốn giữ vững được vị trí "thống trị" vốn có thì các chủ tiệm tạp hoá vẫn phải tận dụng lợi thế có sẵn, trang bị thêm kiến thức và cập nhật những ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý hàng hóa, cắt giảm bớt khâu trung gian để tối đa hóa lợi nhuận cho cửa hàng. Ngoài ra, làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp các hộ kinh doanh đa dạng hóa kênh thanh toán và đem lại tiện lợi tối ưu cho người tiêu dùng.
 
Hải Yến
 

ĐỌC NHIỀU