Vì sao Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương trước đại dịch COVID-19?
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2020 của Việt Nam tăng 0,36%. Tính tổng cả 6 tháng đầu năm nay, con số này cũng chỉ đạt 1,81%. Đây là mức tăng thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua (2011-2020).
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là một điểm sáng nổi bật khi trở thành quốc gia duy nhất trong khối có tốc độ tăng trưởng dương. Các quốc gia còn lại đều đang chìm trong khủng hoảng kinh tế với những suy giảm chưa thể kìm hãm như Malaysia (-17,1%), Philippines (-16,5%), Singapore (-13,2%), Thái Lan (-12,2%), Indonesia (-5,32%),…
Vậy điều gì đã giúp Việt Nam trở thành một hình mẫu kinh tế đáng học hỏi trong đại dịch COVID-19?
Khả năng kiểm soát ấn tượng đại dịch COVID-19
Nguyên nhân mấu chốt giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể phát triển chính là bởi khả năng kiểm soát ấn tượng đại dịch COVID-19. Ngay từ thời điểm những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã có sự cảnh giác cao độ với những kế hoạch cụ thể và chi tiết. Mục tiêu là hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên phòng chống và dập dịch.
Điều này giúp Việt Nam sớm chủ động đối phó với các tình huống bất ngờ của đại dịch. Quyết định giãn cách xã hội cùng chiến lược dập dịch hiệu quả đã giúp nguy cơ bùng phát dịch bệnh được giảm thiểu đáng kể. Trong suốt 6 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận 415 bệnh nhân dương tính với COVID-19 và không có người tử vong. Ngày 23/4, cả nước cơ bản đã kết thúc thời gian cách ly xã hội.
Sau khi giai đoạn 1 của dịch bệnh kết thúc, Việt Nam trải qua 99 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế cơ bản dần hồi phục trong bối cảnh bình thường mới.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh lại diễn ra rất phức tạp ở các quốc gia Đông Nam Á khác. Một số quốc gia gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Nỗ lực phục hồi kinh tế của Nhà nước
Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo phục hồi nền kinh tế thông qua các nỗ lực đầu tư, cải cách chính sách, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài hay kiểm soát các chỉ số tài chính.
Thị trường gần 100 triệu dân trở thành động lực trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ chú trọng xuất khẩu, các chính sách kinh tế bắt đầu tập trung khai thác tối đa tiềm năng của thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vốn dĩ được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư trong nước. Điều này khiến các biến động ngắn hạn ở Việt Nam không phải lúc nào cũng dựa trên nguyên tắc hoạt động cơ bản.
Sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài
Khả năng kiểm soát dịch bệnh ấn tượng cùng mức độ hấp dẫn của nền kinh tế giúp Việt Nam trở thành địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới.
Dù cho tỉ lệ mất việc của lao động có dấu hiệu gia tăng nhưng không thể phủ nhận các hoạt động kinh tế tại Việt Nam vẫn diễn ra thông suốt. Các đơn hàng xuất khẩu vẫn được thực hiện theo kế hoạch. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế của một số quốc gia trong khu vực đã phải tạm hoãn một thời gian do không kiểm soát được dịch bệnh.
Ngoài ra, sự thay đổi chính sách của Chính phủ cũng thúc đẩy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc biến Việt Nam trở thành một miền đất hứa đáng chờ đợi cho các công ty quốc tế.
Quang Anh T/h