Vicostone (VCS) ước lãi ròng quý III đạt 200 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2017

Trang Mai 09:17 | 12/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Công ty cổ phần Vicostone (mã: VCS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa đã công bố ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất (ước tính) Quý III năm 2022.

Theo đó, trong quý III, VCS ghi nhận doanh thu thuần 1.093 tỷ đồng, giảm 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng giảm 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 235 tỷ đồng. Sau thuế, VCS báo lãi 200 tỷ đồng, giảm 58,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi ròng thấp nhất của VCS kể từ tháng 1/2017 đến nay.

 

So với cùng kỳ 2021, lũy kế 9 tháng năm 2022, VCS ước đạt 4.431 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14,89%. Lợi nhuận trước thuế 1.109 tỷ đồng, giảm 27,4% và lợi nhuận sau thuế 941 tỷ đồng, giảm 27,9%. 

 
Trong 1.670 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021 và 1.956 tỷ đồng lợi nhuận năm trước chuyển sang, VCS dành 320 tỷ đồng, tức 20% để trả cổ tức bằng tiền lần 1; 320 tỷ đồng tương đương 20% để trả cổ tức bằng tiền lần 2; 66,8 tỷ đồng (4%) trích Quỹ thưởng Ban quản lý điều hành Công ty và 116,9 (7%) tỷ đồng trích Quỹ khen thưởng và phúc lợi. Còn lại 2.803 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. 

Trước đó,  tại báo cáo bán niên 2022, VCS báo cáo doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.338 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,19% so với cùng kỳ năm 2021, lãi trước thuế đạt 883,7 tỷ đồng, giảm hơn 8%. Sau thuế, Công ty báo lãi 740,7 tỷ đồng, giảm 9,6%. 

Theo báo cáo giải trình sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bán niên 2022, phía VCS cho biết kết quả kinh doanh của Công ty chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu do doanh thu của Công ty chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu. Năm 2022, thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất. Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng trong lĩnh vực nội thất bị thiếu hụt, giá cước vận chuyển tăng cao,... đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường xây dựng, bất động sản nói chung. Việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty trong kỳ cũng bị chậm lại.

Không chỉ sụt giảm đơn hàng, VCS gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm đá nhân tạo giá rẻ từ đối thủ trong ngành. Sản phẩm đá nhân tạo của VCS cũng phải cạnh tranh với đá tự nhiên, gốm sứ và đá nung kết, porcelain trong các ứng dụng dân dụng từ trung bình đến cao cấp ở hầu hết các thị trường, đặc biệt tại Úc, Canada, Mỹ.

Trong bối cảnh thị trường trong nước cũng cạnh tranh vô cùng khốc liệt, ban lãnh đạo Công ty khẳng định: Rất nhiều đối thủ nhập thiết bị Trung Quốc, sản xuất đá tấm ở Việt Nam và bán giá rất rẻ. Tuy nhiên, VCS vẫn kiên định với việc cung cấp các sản phẩm cao cấp. Văn hoá sử dụng đá của khách hàng nội địa vẫn còn ưa chuộng sản phẩm giá rẻ nên cần có thời gian để thay đổi. 

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, Công ty dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều rủi ro thách thức khó đoán định với các doanh nghiệp nói chung. VCS đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt 8.367 tỷ đồng và 2.413 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 18,34% và 15,06% so với cùng kỳ.