Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, GRDP Đà Nẵng 9 tháng tăng 16,76%

Diên Vỹ 18:24 | 04/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 mà TP Đà Nẵng vừa công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III năm 2022 ước tăng đến 39,15%. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng cao nhất với 48,35%. Tính chung 9 tháng năm 2022, GRDP của TP ước tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021.

 

GRDP 9 tháng của Đà Nẵng tăng 16,76%

Trên nền tăng trưởng âm cùng kỳ năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng quý III năm 2022 ước tăng đến 39,15%. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng cao nhất với 48,35%, tiếp đến là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,84% (riêng ngành công nghiệp tăng 24,56%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 16,74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng năm 2022, GRDP của Thành phố ước tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ tăng 21,69%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,83% (riêng lĩnh vực công nghiệp ước tăng 9,09%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,10% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,38%.

Quy mô nền kinh tế thành phố theo giá hiện hành 9 tháng ước đạt 92.238 tỷ đồng, mở rộng 14.808 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 11,956 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2.183 tỷ đồng (riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 1.605 tỷ đồng); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 67 tỷ đồng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 602 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,25%; khu vực dịch vụ chiếm 68,88% và thuế sản phẩm chiếm 9,13%. 

Với sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ; cơ cấu nền kinh tế TP Đà Nẵng tiếp tục có sự dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 2,27 điểm phần trăm; ngược lại, lĩnh vực công nghiệp giảm 1,05 điểm phần trăm.

Nhiều tín hiệu phục hồi rõ nét, khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính

Về sản xuất, tiếp đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng của Đà Nẵng ước tăng 11,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng quý III/2022, Thành phố ghi nhận IIP tăng 32,16%, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua dựa trên so sánh với nền thấp cùng kỳ năm ngoái và có xu hướng tiếp tục tăng ở các tháng cuối năm.

Tính chung 9 tháng năm 2022, IIP toàn ngành công nghiệp của Đà Nẵng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng nhóm ngành khai khoáng giảm 12,4% so với cùng kỳ do một số đơn vị chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh môi trường tại khu vực khai thác nên chưa được phép hoạt động trở lại. 

 

Về thương mại và dịch vụ, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng nhận định khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính giúp kinh tế thành phố vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.  

Ước tính 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 48.943 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng ở tất cả các nhóm hàng. 

Hoạt động bán buôn hàng hóa cũng tăng trưởng tích cực với tổng doanh thu bán buôn hàng hóa 9 tháng ước đạt 113.364 tỷ đồng, tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó các nhóm hàng tăng mạnh như nhiên liệu khác trừ xăng dầu tăng 89,9%; phương tiện đi lại trừ ô tô tăng 43,7%; hàng may mặc tăng 42,7%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 41,4%...

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước tính 9 tháng đạt 2.743,3 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.629,3 triệu USD, tăng 27,3% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 1.114 triệu USD, tăng 14,1%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục theo hướng xuất siêu với mức 515,3 triệu USD trong vòng 9 tháng, tăng 69,9% so với thời điểm cùng kỳ 2021.

Về đầu tư, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 28.640,8 tỷ đồng, tăng 24,72% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước 9 tháng ước đạt 6.136,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn nhưng giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giảm mạnh ở vốn địa phương quản lý (-18,7%). Vốn đầu tư thực hiện khu vực ngoài nhà nước ước đạt 18.158 tỷ đồng, chiếm 63,4% và tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn đầu tư của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 12.383 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng tốc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 14,6%, tương đương đạt giá trị 4.345,9 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 15,2% trong cơ cấu tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III năm 2022 của Đà Nẵng tăng 5,46% so với bình quân quý III năm 2021. CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 3,08% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

 

Đà Nẵng phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công 100% trong năm nay

Trước bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu gây tác động đến các quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng dự báo kinh tế cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn; đặc biệt đối với các ngành, các lĩnh vực kinh tế có độ mở lớn như xuất, nhập khẩu hàng hóa, thu hút khách du lịch quốc tế...  Để thúc đẩy đà phục hồi và phát triển, Đà Nẵng dự kiến triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tập trung duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh trong 3 tháng cuối năm.

Trong lĩnh vực dịch vụ, Thành phố chú trọng nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế, khôi phục hoạt động du lịch trên cơ sở đảm bảo an toàn. Cùng đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước sản xuất; triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm cuối năm; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành liên quan đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng....

Trong lĩnh vực đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa nhằm đảm bảo tiến độ; có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu. Đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình đúng kế hoạch. Phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 100% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong lĩnh vực tiền tệ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN; nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chương trình hỗ trợ lãi suất 2%...