Việt Nam cần làm gì để giữ chân doanh nghiệp FDI?
Theo báo cáo về đầu tư thế giới năm 2021 vừa được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại & Phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước đó. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện và tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP.HCM hay Hà Nội - những địa phương dẫn đầu vốn đăng ký cấp mới 8 tháng đầu năm đã làm dấy lên những lo ngại liệu dòng vốn FDI có dịch chuyển khỏi Việt Nam.
Giãn cách kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư “e dè”
Điểm sáng duy nhất của tình hình thu hút FDI 8 tháng là vốn thực hiện tăng 2%. Trong khi đó, vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh giảm lần lượt gần 37% và 11% về lượng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp vốn đăng ký cấp mới FDI ghi nhận giảm, chưa kể số lượt góp vốn và mua cổ phần 8 tháng cũng giảm hơn 43% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về tính trạng sụt giảm của dòng vốn FDI, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm mạnh đã tác động nguồn đầu tư vào Việt Nam. Tương tự, hoạt động mua bán và sáp nhập toàn cầu cũng suy giảm, trong khi tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam với tiêu chí giảm số lượng và tăng về chất lượng, nhằm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ và ít giá trị gia tăng, cũng khiến lượng vốn cấp mới chưa thể phục hồi.
Tuy vậy, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thẳng thắn thừa nhận việc hạn chế nhập cảnh, chính sách cách ly dài ngày khiến hoạt động khảo sát và làm thủ tục đầu tư của các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam chững lại. Quy định phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cho biết, nếu dịch Covid-19 còn kéo dài hơn, hoạt động FDI trong dài hạn đương nhiên sẽ chịu tác động lớn.
Vị này phân tích sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng trong nước thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động... đều làm tăng chi phí và giảm triển vọng của nhà đầu tư. Những yếu tố này càng trở nên thách thức khi cạnh tranh thu hút vốn FDI tại châu Á đang ở mức cao, các doanh nghiệp FDI cần 6 tháng đến 1 năm để xây dựng và vận hành nhà máy, nhưng cũng chỉ cần bằng đó thời gian để dịch chuyển đi nơi khác đầu tư, kinh doanh.
Cần có kế hoạch để quản lý rủi ro
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, giãn cách xã hội như vừa qua, tất yếu gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Hậu quả là đã có doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam.
“Chính sách không bảo đảm cho lưu thông hàng hóa, lao động không thể tiếp cận công việc, đơn hàng của doanh nghiệp bị đe dọa không thực hiện được”, ông Thiên lý giải.
Theo ông Thiên, việc đóng cửa, phong tỏa như vừa qua còn giáng đòn tiêu cực đến chiến lược phát triển, thu hút đầu tư dài hạn, có thể làm mất cơ hội đón dòng vốn chuyển dịch FDI. Ông Thiên nhấn mạnh: “Môi trường kinh doanh yếu đi, doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng. Đối tác của họ là doanh nghiệp nước ngoài rất khó chần chừ với thị trường Việt Nam”.
Ông Thiên cho rằng, nên chấm dứt kiểu phong tỏa ổ dịch diện rộng như vừa qua, không hành chính cứng nhắc, gây phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp. Ông Thiên lấy ví dụ về nỗ lực thay đổi của Hà Nội, thành phố dừng việc phân vùng, chỉ phong tỏa trên phạm vi hẹp nhất để nới lỏng giãn cách xã hội, là cách làm cần được nhân rộng.
“Tinh thần mở cửa phải đảm bảo an toàn lưu thông kinh tế, gồm chuỗi cung ứng vận tải (logistics) và tiền tệ; an toàn sản xuất tại các khu công nghiệp. Nhóm chuyên trách, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng phải phát huy được vai trò của mình”, ông Thiên nhấn mạnh.
Còn theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích, đứt gãy chuỗi cung ứng đang là nỗi lo chung của cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI. Với tình hình dịch như hiện nay, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất cao. Theo ông Thành, điều doanh nghiệp FDI mong lúc này là Nhà nước phải có kế hoạch rõ ràng và quản trị rủi ro.
“Chúng ta không thể khẳng định chắc nịch vào tháng nào dịch bệnh được khống chế. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự đồng hành. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cần triển khai quyết liệt hơn”, ông Thành nói.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thu hút FDI toàn cầu đã sụt giảm 38% xuống mức thấp nhất tính từ năm 2005, trong đó khu vực châu Âu chịu mức sụt giảm nghiêm trọng nhất với 71%.
Các quốc gia ASEAN có mức giảm tương đối với 31%. Malaysia hứng chịu xu hướng tồi tệ nhất với mức giảm lên đến 68%. Thái Lan cũng ghi nhận mức giảm 50%.