Doanh nghiệp "khát vốn" để hồi phục sau đại dịch

11:26 | 21/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (BNCPTKTN) cho biết các doanh nghiệp (DN) rất "khát" vốn và đặt vấn đề tiêm chủng lên hàng đầu nhằm có cơ hội hoạt động trở lại bình thường sau dịch.

Cụ thể, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã tiến hành khảo sát về "sức khỏe tài chính" của hơn 21.500 doanh nghiệp trong cả nước. Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các DN gửi gắm, trong đó đáng kể nhất vẫn là vấn đề hỗ trợ vay vốn và tiêm vaccine để doanh nghiệp vực dậy. 

Mỗi nhóm doanh nghiệp lại có những đề xuất hỗ trợ khác nhau. 

Các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động phần lớn kiến nghị vào các vấn đề thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng với việc đề xuất các chính sách liên quan theo hướng nhà nước hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp trả lương cho người lao động phải tạm nghỉ do dịch; đôn đốc, kiểm soát tốc độ giải ngân để gói hỗ trợ đến được với người dân và doanh nghiệp nhanh nhất có thể; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nhóm DN này muốn được ngân hàng thương mại ho phép khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ của tất cả các khoản nợ phát sinh từ cuối năm 2021 ít nhất 6-12 tháng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh và dòng tiền; giảm lãi suất cho vay (2%) đối với dư nợ vay hiện tại của doanh nghiệp trong thời gian giãn cách; miễn thuế, hỗ trợ vay lãi suất thấp... 

Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều mặt để có thể "tự đứng dậy" sau quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân 

Cùng với đó là đề xuất về giảm các loại tiền điện nước, bình ổn giá nguyên vật liệu, miễn giảm việc đóng các khoản thuế, phí và bảo hiểm xã hội... Đồng thời đề nghị xây dựng các gói vay phù hợp với từng loại hình, quy mô doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất đang cần vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn nộp lãi và nợ gốc. Khối DN này kiến nghị 

Ngân hàng Nhà nước điều phối ngân hàng thương mại giảm lãi vay mới cho doanh nghiệp từ 3-5%, gia hạn thời gian trả nợ gốc; có biện pháp thiết thực, quyết liệt và nhanh chóng để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi; nâng mức cho vay từ 70% lên 85% giá trị tài sản thế chấp.

Doanh nghiệp cũng đề xuất ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện tại, tái cấp vốn cho vay để duy trì hoạt động, đặc biệt là khu vực sản xuất; cung cấp thêm các giải pháp để doanh nghiệp huy động vốn từ cộng đồng nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần hỗ trợ DN vay vốn lãi suất 0% điều kiện là sản xuất vẫn phát sinh doanh thu không thuộc các doanh nghiệp nằm trong nhóm nợ xấu; ưu tiên sử dụng vốn vay vào việc đầu tư thiết bị máy móc và mua nguyên vật liệu...

Văn phòng Ban IV cũng nhấn mạnh, các DN muốn linh hoạt xây dựng các mô hình sản xuất mới  "vùng sản xuất xanh" và các hướng đi mới: Cơ sở nào ở "vùng xanh" an toàn thì cho phép đơn vị đó hoạt động sản xuất bình thường;... bởi hiện tại mô hình "3 tại chỗ" tốn kém rất nhiều kinh phí mà nguồn tiền của DN đang cạn dần. 

Cuối cùng về công tác chống dịch, doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia vào quá trình phủ vaccine, đề nghị Bộ Y tế ủng hộ chủ trương hình thành các cơ sở y tế, trạm y tế tại các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chống dịch, thống nhất mã QR tạo điều kiện trong lưu thông hàng hóa. Và quan trọng nhất vẫn là đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và logistics... 

DN nước ngoài đề xuất bình thường hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh 

Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Amcham (Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ), EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc) và US-ABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean)  cũng đề nghị hàng loạt những giải pháp để khôi phục lại hoạt động kinh tế trong nước. 

Đầu tiên, nhất quán khi áp dụng hệ thống vaccine điện tử, cần làm rõ  về một một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi sẽ được điều phối như thế nào giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại. Đồng thời giải quyết vấn đề nhập cảnh cho người nước ngoài bằng chính sách hợp lý. 

Thứ hai, hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian COVID-19 mà cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. 

Thứ ba, chú trọng tiêm chủng, tiếp cận vaccine đối với người giao hàng, chợ, và các chuỗi cung ứng thực phẩm... Khi tiến đến "bình thường mới", ngoài việc bao bao phủ tiêm chủng nhiều hơn, cần có sự phối hợp giữa các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, xét nghiệm nhanh, chính sách cô lập và lọc F0 nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm tác động đến hoạt động sản xuất.

Thứ tư, du lịch đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Do đó, đây là lúc cần lên kế hoạch đưa ngành này trở lại bình thường với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu. Việt Nam cần trở lại thành điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế.

Đồng thời việc kiến nghị các giải, các DN cũng thúc giục Việt Nam nhanh chóng đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa. Nếu không làm sớm sẽ tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế và suy giảm khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên toàn cầu.