VIệt Nam 'chạy nước rút' thực thi quy định mới của EU về chống phá rừng

Trang Mai 12:10 | 05/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 18 tháng trước khi quy định mới của EU được thực hiện, bởi sau ngày 31/12/2024 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020, việc rà soát các vùng rủi ro trong chuỗi cung ứng nông sản liên quan tới nông hộ là rất cần thiết.

Nhằm hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam đáp ứng tốt các yêu cầu của Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR), chiều 4/11, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU”. 

Quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) về chống phá rừng bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy định mới gồm: cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su kể từ sau ngày 31/12/2020 từ các quốc gia vào EU. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa vừa nêu nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường này. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, trong 7 nhóm mặt hàng(chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ) chịu ảnh hưởng của quy định này thì cà phê cao su Việt Nam có tác động trực tiếp và nghiêm trọng. 

Khó khăn lớn nhất mà các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang gặp phải trong thực hiện quy định mới của EU là việc cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng; truy xuất nguồn gốc; triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng. 

Một số yêu cầu của châu Âu

Dựa trên các tiêu chuẩn do EU đặt ra, các quốc gia được phân loại rủi ro “cao”, “trung bình” hoặc “thấp”. Sản phẩm từ các quốc gia được coi là “rủi ro thấp” sẽ được đơn giản hóa quy trình thẩm định. Nếu EU phân loại “rủi ro cao” cho 1 trong 7 ngành hàng sẽ dẫn đến tất cả các ngành bị phân loại “rủi ro cao”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quan hệ và Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), việc phân loại vào "rủi ro thấp" thì các tối thiểu 1% doanh nghiệp nhập khẩu bị kiểm tra, thay vì lên tới 9% như ở nhóm "rủi ro cao". 

Để phân loại quốc gia, EU sẽ thu thập thông tin về diện tích rừng tính đến 31/12/2020, điều kiện vùng sản xuất và toàn bộ chuỗi nguyên liệu sản phẩm. Việc xác minh độ rủi ro nhằm đánh giá tác động của quá trình sản xuất đến môi trường rừng, qua đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp, giảm thiểu nguy cơ gây mất rừng trên toàn thế giới.

Ngoài ra, thẩm định trách nhiệm theo yêu cầu của EUDR đòi hỏi các bước cụ thể về việc cung cấp thông tin và đánh giá rủi ro liên quan đến sản phẩm được xuất khẩu. Đầu tiên, các nhà sản xuất cần cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm. Trong đó, thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ giúp xác nhận sản phẩm không gây mất rừng, hợp pháp để xuất khẩu. Điều này đòi hỏi sự cụ thể và minh bạch về nguồn gốc và quá trình sản xuất.

Giải pháp thích ứng với EUDR

Chia sẻ về giải pháp của ngành trồng trọt trong việc đáp ứng và giảm thiểu rủi ro khi thực hiện EUDR, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho rằng, để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam không gây mất rừng, minh bạch và bền vững, thích ứng với yêu cầu của EUDR cần gói giải pháp đáp ứng với EUDR và gói giải pháp giảm thiểu rủi ro.

“IDH cùng Cục Trồng trọt tới tháng 3/2024 sẽ xác định chính xác rõ ranh giới rừng theo định nghĩa của FAO. Đây là bước quan trọng giúp EU kiểm tra hàng hóa khi nhập khẩu, định hướng cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam quy hoạch, trồng và bảo vệ rừng. Tới tháng 6/2024, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin vùng sản xuất tại các huyện sản xuất cà phê hàng đầu Việt Nam”, bà Chi nói. 

Theo bà Trần Quỳnh Chi, giảm thiểu rủi ro mất rừng là giải pháp quan trọng. Theo đó sẽ chứng minh sản phẩm cà phê, cao su Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Như vậy, Việt Nam cần đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội.

Là một trong những ngành hàng sẽ chịu tác động của Quy định EUDR, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, năm 2014 diện tích cao su khoảng 980.000 ha. Do giá cao su từ năm 2014 xuống thấp, nên một số diện tích cao su đã chuyển sang cây trồng khác hoặc mục đích khác, đến nay diện tích cao su khoảng 920.000 ha. Nếu tính từ năm 2020, cao su Việt Nam không có trồng mới, chỉ có diện tích tái canh của đại điền và mỗi năm từ 15.000-20.000 ha.

Theo ông, đối với ngành cao su, rủi ro với quy định của EUDR là rất thấp, nhất là từ năm 2017 Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng.

Với ngành hàng cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà phê, nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Trong khi đó, cà phê được trồng không tập trung như cao su, chủ yếu nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.

Ông Nguyễn Nam Hải góp ý, phải xác định thời điểm 31/12/2020 có diện tích trồng cà phê trên đất rừng hay không, nếu có thì xử lý thế nào? Việc truy xuất nguồn gốc tại vườn phải có hợp tác công tư (PPP), đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bởi chi phí thực hiện sẽ rất cao. “Việt Nam và EU cần thống nhất lại quy định về chống mất rừng. Theo đó, với các chứng nhận sản xuất bền vững mà doanh nghiệp đã có cần có sự thống nhất và công nhận lẫn nhau”, ông An nêu.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với sự thay đổi trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây là cơ hội để cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng, tới lâm nghiệp như: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Mỗi sự thay đổi đều có những khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa, các hiệp hội ngành hàng đều hiểu được điều đó. Thành công hay không là nhờ vào việc chúng ta có tư duy và hành động hệ thống, hệ thống càng rộng theo chiều ngang, càng dài theo chiều dọc cần phải có tư duy gắn kết giữa Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành; giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; giữa trung ương với các địa phương, giữa hai tác nhân rất lớn là doanh nghiệp và cộng đồng người dân sản xuất những mặt hàng liên quan đến quy định này".