Việt Nam sắp vào nhóm các nước trên 100 triệu người: Tổng GDP hàng năm 60.000 tỷ USD, chiếm 66% dân số thế giới
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), dân số trung bình của nước ta trong năm 2022 là 99,46 triệu người. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như những năm vừa qua, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu.
Vào năm 2023, ngoài Việt Nam còn 15 quốc gia khác có dân số trên 100 triệu người. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc và CIA, dân số của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) cũng đạt 100 triệu vào năm 2023. Tuy nhiên, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) lại cho rằng dân số của nước này vào năm 2022 chỉ là 95,2 triệu và sẽ cần hai năm nữa để đạt mốc 100 triệu người nếu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 3%/năm như hiện nay.
Năm 1950, chỉ có 4 quốc gia trên thế giới có dân số trên 100 triệu người, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga (thống kê của Liên Hợp Quốc liệt kê dân số của từng nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết). Vào thời điểm đó, dân số thế giới chỉ khoảng 2,5 tỷ người.
Theo dự báo từ Triển vọng Dân số Thế giới của UN, đến năm 2100, Việt Nam và Nhật Bản sẽ rời khỏi danh sách những quốc gia có dân số trên 100 triệu người và được thế chỗ bởi nhiều đại diện khác đến từ châu Phi. Quy mô dân số của Trung Quốc, Brazil, Nga cũng sẽ có sự thu hẹp đáng kể trong tương lai.
16 quốc gia trên 100 triệu dân có nền kinh tế như thế nào?
Tổng dân số của 16 quốc gia trong danh sách của Liên Hợp Quốc là 5,3 tỷ người, chiếm khoảng 66% dân số thế giới. Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước trên là hơn 60.000 tỷ USD, tương đương gần 60% sản lượng kinh tế toàn cầu. Trong đó, chỉ riêng ba quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã đóng góp khoảng 46% tổng GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, chỉ có 2/16 nước đạt mức ngưỡng thu nhập cao là Mỹ, Nhật Bản. Moscow đã đủ tiêu chuẩn nhưng chưa được World Bank chính thức công nhận, còn Trung Quốc chỉ còn cách ngưỡng thu nhập cao khoảng vài năm. Ngoài Ethiopia và DRC là những quốc gia có thu nhập thấp, những nước còn lại đều ở mức thu nhập trung bình thấp hoặc trung bình cao.
Chỉ số phát triển con người (HDI) tại 16 nước đông dân nhất thế giới cũng có sự tương quan với GDP bình quân đầu người. Ba nước có HDI ở mức rất cao (>0,8) cũng là những nền kinh tế có thu nhập cao. Ngược lại, nhưng nước có HDI thuộc nhóm rất thấp (<0,5) cũng có GDP đầu người thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp. Bảng thống kê dưới đây cho thấy Việt Nam có HDI tương đối cao là 0,703.
Xu hướng già hóa, mất cân bằng giới
Tốc độ tăng trưởng dân số trong thế kỷ 21 dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với thế kỷ trước. Từ năm 1950 đến 2023, dân số thế giới đã tăng hơn ba lần từ 2,5 tỷ lên 8 tỷ người. Tuy nhiên, từ nay tới năm 2100, dân số toàn cầu được kỳ vọng sẽ chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ người.
Đồng thời, sự gia tăng dân số trong thế kỷ này chủ yếu sẽ tới từ châu Phi, trong khi nhiều nước đông đúc tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam có thể còn phải đối mặt với dân số sụt giảm.
Tại nhiều quốc gia, do những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội ... con người ngày càng sinh đẻ ít đi. Tiến bộ khoa học, y tế và đời sống được cải thiện cũng khiến tuổi thọ con người ngày một cao lên. Kết quả là, độ tuổi trung vị của thế giới sẽ tăng từ 30,5 tuổi vào năm 2023 lên 42,3 tuổi vào năm 2100.
Dân số già đi tạo áp lực nên hệ thống an sinh xã hội, buộc chính phủ phải nâng tuổi nghỉ hưu như tại Pháp gần đây, nâng thuế, bảo hiểm hoặc chấp nhận thâm hụt ngân sách.
Trung Quốc đã phải ngừng chính sách một con vào đầu năm 2016 nhằm thúc đẩy tỷ suất sinh.
Tổng tỷ suất sinh (TFR) là một chỉ báo hiệu quả để xác định xu hướng biến động của dân số một quốc gia trong tương lai. Nigeria, với tỷ suất sinh và quy mô dân số tương đối cao, dự kiến sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ ba thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc vào năm 2100.
Ngoài Mỹ, tất cả những nước có TFR nhỏ hơn 2,1 trong danh sách dưới đây đều sẽ có quy mô dân số thu hẹp hoặc đi ngang vào năm 2100.
Mất cân bằng giới tính cũng đang làm trầm trọng khủng hoảng dân số tại một số nước như Trung Quốc, Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2100, dân số Việt Nam sẽ giảm chỉ còn 90 triệu người.
Mỹ là một trường đặc biệt khi TFR chỉ đạt 1,7 (trẻ/phụ nữ), nhưng lại có tỷ lệ nhập cư ròng lên tới 2,95/1000 người, giúp bù đắp sự thiếu hụt từ sinh đẻ. Đến năm 2100, Mỹ sẽ tụt xuống vị trí quốc gia đông dân thứ 6 trên thế giới nhưng quy mô dân số vẫn sẽ tăng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam, Bangladesh và Nga sẽ gặp nhiều khó khăn bởi TFR nằm dưới mức duy trì (2,1 trẻ/phụ nữ) và dòng chảy người di cư qua nước ngoài tương đối cao.