Việt Nam trong làn sóng đầu tư trung tâm dữ liệu châu Á

Thành Vũ 09:36 | 06/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam có lợi thế và tiềm năng như thế nào trong cuộc đua phát triển trung tâm dữ liệu ở châu Á?

Nikkei Asia dẫn báo cáo mới đây do CBRE xuất bản cho biết Ấn Độ đang vượt qua Nhật Bản, Singapore và Hong Kong trong cuộc đua đầu tư trung tâm dữ liệu. Động lực tăng trưởng nhanh của Ấn Độ đến từ các cam kết tài chính lớn do Amazon và các tập đoàn trong nước như Reliance Industries cung cấp.

Bên trong một trung tâm dữ liệu. (Ảnh: Mint).

Sự bùng nổ trung tâm dữ liệu của Ấn Độ là điều không thể tránh khỏi, nhờ dân số sử dụng internet ngày càng tăng trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số khác, cùng với việc các công ty công nghệ thiết lập văn phòng tại đây.

Ấn Độ đang trên đà bổ sung tới 850 MW công suất mới trong ba năm, tính đến năm 2026, gần gấp đôi so với khoảng 950 MW vào cuối năm ngoái. Điều này sẽ đưa Ấn Độ vượt qua các đối thủ như Hàn Quốc (495 MW), Nhật Bản (407 MW) và Australia (314 MW) trong tương lai.

Tại châu Á, các công ty vận hành trung tâm dữ liệu đang tăng cường mở rộng để đáp ứng nhu cầu. Amazon Web Services đã cam kết đầu tư 12,7 tỷ USD vào doanh nghiệp điện toán tại Ấn Độ đến năm 2030, với các trung tâm dữ liệu ở Mumbai và Hyderabad.

Đối tác của VNG - ST Telemedia Global Data Centres (Singapore) đang đầu tư khoảng 900 triệu USD vào Ấn Độ đến năm 2033, ký kết các biên bản ghi nhớ với các bang Tamil Nadu, Karnataka và Uttar Pradesh. Công ty của Anh - Colt Data Centre Services Holdings, sẽ ra mắt một trung tâm dữ liệu tại Chennai vào năm 2027 với công suất tối thiểu 70 MW.

Các công ty lớn của Ấn Độ như Adani Group và Reliance Industries cũng đã tham gia vào lĩnh vực này. AdaniConneX, một liên doanh giữa Adani Enterprises và EdgeConneX, đã tuyên bố vào tháng 4 rằng họ đã đảm bảo được khoản vay 1,44 tỷ USD để giúp tài trợ xây dựng hai cơ sở mới tại Chennai và Mumbai với tổng công suất 67 MW.

Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các công ty dịch vụ tài chính khác có khả năng là những động lực chính của các trung tâm dữ liệu mới.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hầu hết mọi doanh nghiệp từ ngân hàng đến các công ty hàng tiêu dùng chuyển đổi số, tăng thêm nhu cầu cho các trung tâm dữ liệu địa phương. Công ty tư vấn Bain & Company ước tính Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế internet tiêu dùng trị giá 1.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Ông Mikhail Jaura, một nhà nghiên cứu cấp cao tại IDC, cho biết Ấn Độ có dân số lớn, nên có rất nhiều người dùng cuối có thể được phục vụ trong nước. Các yếu tố khác có lợi cho Ấn Độ bao gồm giá đất rẻ và ít khả năng xảy ra thiên tai hơn so với một số quốc gia châu Á khác.

Theo báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2023-2024 của Cushman & Wakefield, cho thấy sự khác biệt đáng kể về chi phí phát triển trung tâm dữ liệu. Báo cáo này tập trung vào các yếu tố như giá mua đất, chi phí phá dỡ và giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng trung tâm tiêu chuẩn và cao cấp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo được khảo sát từ 37 thành phố thuộc 14 thị trường trọng điểm.

Trong đó cho thấy Singapore dẫn đầu với giá đất trung bình cao nhất khu vực (11.573 USD/m2), theo sau là Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Nguyên nhân chính là sự khan hiếm quỹ đất cùng với nguồn điện sẵn có, lãi suất gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam có giá đất trung bình thấp nhất khu vực với 168 USD/m2, tạo cơ hội đầu tư tốt hơn.

Bên cạnh khoản đầu tư thuê đất, chi phí xây dựng tăng cao do giá nguyên liệu thô, chi phí năng lượng và vận chuyển vẫn ở mức cao tại một số thị trường hàng đầu châu Á. Nhật Bản dẫn đầu với 12,73 USD/W, tiếp theo là Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong và Australia. Ngược lại, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đại lục có chi phí xây dựng thấp hơn.

Bất chấp bất ổn kinh tế vĩ mô, lĩnh vực trung tâm dữ liệu vẫn thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Các thị trường trưởng thành như Ấn Độ, Singapore, Tokyo, Sydney, Bắc Kinh và Thượng Hải thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Nhu cầu chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ đám mây cho các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, viễn thông, thương mại điện tử và chính phủ.

Các thị trường mới nổi như Auckland, Bangkok, Busan, Kuala Lumpur, Osaka, Pune và Đài Bắc cũng chứng kiến sự gia tăng nhu cầu. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu đang lên kế hoạch thâm nhập vào các thị trường này, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh chóng.

Riêng đối với Việt Nam, Cushman & Wakefield nhận định đây là thị trường còn khá non trẻ với tổng công suất hiện tại đạt 45MW và tốc độ tăng trưởng 6,63% CAGR giai đoạn 2022-2027. Nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 20% vào năm 2025, gần gấp đôi mức tăng trưởng GDP với hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ và sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử. Với dân số tăng nhanh và tỷ lệ người dùng internet cao, Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng cũng gặp thách thức về hạ tầng và nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đơn cử, Viettel đã khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hà Nội với công suất thiết kế 145 MW. Chủ tịch Viettel, ông Tào Đức Thắng, cho biết tập đoàn sẽ đầu tư cho các trung tâm dữ liệu theo lộ trình, tới năm 2025, tập đoàn sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack.

Ở phía Nam, VNG hợp tác với ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) để xây dựng các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế tại TP HCM. Theo ông Lê Hồng Minh, CEO VNG, cái bắt tay mới nhất với STT GDC sẽ góp phần thiết lập những tiêu chuẩn mới cho thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, đồng thời đưa sản phẩm, dịch vụ của VNG ra thị trường quốc tế.

"Chúng tôi cũng sẽ hợp tác cùng nhau để đưa công nghệ AI Cloud tới gần hơn với các doanh nghiệp trong nước và khu vực, đón đầu xu hướng then chốt của nền kinh tế số”, ông Lê Hồng Minh nói.