VietBank (VBB) bổ nhiệm tân Phó Tổng giám đốc
Ngày 12/12, Hội đồng quản trị VietBank đã có quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc VietBank.
Cụ thể, Hội đồng quản trị đã thống nhất bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Khoa giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/12. Theo đó, ông Nguyễn Đăng Khoa sẽ đảm nhiệm vị trí này trong giai đoạn 2022 - 2024.
Theo thông tin trên website chính thức của VietBank, ban điều hành của ngân hàng này trước đó có 1 quyền Tổng Giám đốc và 5 Phó Tổng Giám đốc. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Trung là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập kiêm Quyền Tổng Giám Đốc ngân hàng. 5 Phó Tổng Giám đốc bao gồm các ông Nguyễn Trọng Phúc, ông Nguyễn Tiến Sỹ, bà Ngô Trần Đoan Trinh, ông Phạm Danh và ông Đỗ Khoa Hiệp.
Lợi nhuận sau thuế tăng 117%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, thu nhập lãi thuần của VietBank đạt gần 403 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 52 tỷ đồng, tăng 42%, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý đạt 45 tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, chi phí trích dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III đã giảm gần 21% xuống còn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tăng 27% lên mức 369 tỷ đồng.
Lãi gộp trong quý đạt 188 tỷ đồng, tăng 58% lần so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 47%, cao hơn mức 39% của quý III/2021. Sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt gần 117 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 117%.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của VietBank đạt gần 1.336 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và hoàn thành 49% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của năm. Lãi ròng 9 tháng cũng tăng 36% lên mức 426 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng tài sản ngân hàng đạt 109.207 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó tiền mặt, vàng bạc, đá quý là 553 tỷ đồng, tiền gửi tại ngân hàng Nhà nước 2.188 là tỷ đồng, tiền vàng gửi tại các tổ chức tín dụng và cho vay khác là 17.287 tỷ đồng, cho vay khách hàng 56.849 tỷ đồng.
Đến hết quý III, VietBank ghi nhận khoản nợ 103.064 tỷ đồng. Trong đó nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ở mức 131 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với cuối năm 2021; Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác ghi nhận 22.155 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng 70.137 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 6.143 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu VBB của VietBank ghi nhận mức 8.000 đồng/cổ phiếu, không thay đổi so với phiên giao dịch trước đó.
Mặt bằng lãi suất huy động của VietBank tăng mạnh so với tháng trước
Tính đến tháng 12, mặt bằng lãi suất của VietBank tiếp đà tăng trưởng so với thời điểm đầu tháng 11. Thông thường, lãi suất tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ đang được triển khai trong khoảng từ 6%/năm đến 9,3%/năm, tương ứng với kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm áp dụng tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng được duy trì bằng với tháng trước là 6%/năm. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng tại kỳ hạn từ 6 tháng đến 10 tháng đồng loạt tăng mạnh lên mức 9,1%/năm. Lãi suất huy động ở kỳ hạn 11 tháng cũng được ghi nhận là 9,1%/năm.
Lãi suất ngân hàng VietBank tại kỳ hạn 12 tháng ghi nhận được là 9,2%/năm, tăng 1,8 điểm % so với đầu tháng 10. Đối với kỳ hạn 13 tháng, các khoản tiết kiệm đến hạn và tái tục sẽ được nhận lãi suất tiền gửi bằng với kỳ hạn 12 tháng là 9,2%/năm.
Đối với gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 - 36 tháng, mức lãi suất ghi nhận là 9,3%/năm. So với tháng 11, lãi suất tại kỳ hạn 15 tháng tăng 1,6 điểm %, còn kỳ các kỳ hạn 18 - 36 tháng tăng thêm 1,3 điểm %.
Lãi suất tiền gửi online trong tháng 12 cũng tăng mạnh thêm 1,3 - 2,1 điểm % so với tháng 11 tại nhiều kỳ hạn. Khung lãi suất đang triển khai từ 1%/năm đến 9,5%/năm, áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn 1 - 36 tháng.
Cụ thể, lãi suất ngân hàng áp dụng tại kỳ hạn 1 - 5 tháng được áp dụng cùng mức 6%/năm. Lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 6 - 11 tháng tăng vọt lên mức 9,3%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng có lãi suất là 9,4%/năm. Mức lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn dài hơn 15 - 36 tháng là 9,5%/năm.