Vietcombank, HDBank, MB, VPBank được nới 'room' tín dụng

Đông Bắc 07:30 | 07/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này gồm Vietcombank, HDBank, MB, VPBank. Trong đó, VPBank có mức điều chỉnh cao nhất với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng.

 

Ngân hàng  Nhà nước (NHNN) vừa chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ.

Trong đợt điều chỉnh room lần này, mức điều chỉnh cao nhất thuộc về VPBank với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB trên 20.000 tỷ đồng và HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh room tín dụng trong lần này nhưng hạn mức chưa đến 9.000 tỷ đồng. Được biết, các ngân hàng trên đã nhận được văn bản chính thức điều chỉnh room tín dụng từ cơ quan quản lý.

 VPBank được điều chỉnh room với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Ảnh Nhật Di. 

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83.500 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.

"Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì", nhóm nghiên cứu tại VNDirect nhấn mạnh.

Trước đợt nới room trên, hồi trung tuần tháng 9, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng. Trong đó, số nhà băng được điều chỉnh trong đợt đó lên tới 18 ngân hàng.

Sacombank là ngân hàng được điều chỉnh hạn mức cao nhất, thêm 4%, vượt kỳ vọng của thị trường. Trong khi đó, Vietcombank được điều chỉnh hạn mức tín dụng là 2,7% còn MB là 3,2%. Ngoài ra, TPBank và Eximbank được điều chỉnh room tăng 1,2%; LienVietPostBank tăng 1%. 4 ngân hàng được điều chỉnh room tăng 0,7% gồm VPBank, BIDV, VietinBank, MSB.

Tín dụng được kỳ vọng tăng 14,9% trong năm nay

Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước  gần đây đã công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV. Cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 25/8 đến ngày 10/9, kết thúc hai tuần trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành vào ngày 23/9. Đối tượng là toàn bộ các TCTD và chi nhánh NHNN tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 96%.

Tại kỳ điều tra này, 31,6% TCTD cho biết đã điều chỉnh “tăng nhẹ” lãi suất biên trong khi tiếp tục “giữ ổn định” phí dịch vụ trong quý III.

Trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng 100 điểm cơ bản các mức lãi suất điều hành (ngày 23/9), mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục được các ngân hàng kỳ vọng xu hướng tăng trong quý IV và cả năm 2022. Trong đó, 59-61% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm phần trăm trong quý IV (chỉ có 7-9% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ) và 66-69% đơn vị tham gia điều tra kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57 điểm phần trăm trong năm 2022 (có 8-10% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm). Trên cơ sở đó, các ngân hàng dự báo cả lãi suất biên và phí dịch vụ đều có xu hướng tăng trong quý IV và cả năm 2022.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,3% trong quý IV và tăng 10,2% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,3 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý IV và tăng 15% trong năm 2022, xấp xỉ mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước (15%).