Vietnam Airlines đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ tới năm 2024
Trong phiên tọa đàm chiều 5/12 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đề xuất ba nhóm chính sách đối với ngành hàng không Việt Nam.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng đối với vận tải hàng không cần phải có sự điều tiết đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế cũng như quốc nội.
Cụ thể, điều tiết ở bên vận tải cung ứng số lượng máy bay cũng như quản lý giá phù hợp với tốc độ và giai đoạn phục hồi của thị trường.
Từ đó, đảm bảo bảo vệ các hãng hàng không có thể đạt được hiệu quả hoạt động trong giai đoạn khó khăn này, cũng như tránh những hệ lụy đã từng làm suy yếu mình ngay trên thị trường vận tải hàng không nội địa, trước khi bước ra cạnh tranh với thế giới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, cũng như các chính sách về giảm thuế phí, hỗ trợ các khoản vay ưu đãi; trong đó, hỗ trợ này cần ở mức đủ dài trên cơ sở đánh giá về sự phục hồi của thị trường, để đảm bảo các doanh nghiệp có thể vượt qua qua khó khăn và cũng như bắt đầu bước vào một giai đoạn phục hồi.
Trên cơ sở này, đại diện Vietnam Airlines đề xuất, chính sách hỗ trợ cần kéo dài đến hết năm 2024 khi mà thị trường vận tải hàng không nội địa cũng như thị trường vận tải hàng không quốc tế đã có những bước phục hồi với mức tăng trưởng của năm 2019.
Ngoài ra, với các biện pháp phòng chống, dịch của Việt Nam cũng như thế giới đang thực hiện, cần sớm công bố lộ trình mở cửa với các đường bay quốc tế.
Theo đó, nếu xác định được ngày cụ thể để mở cửa cho đối tượng khách đủ điều kiện nhập cảnh và không phải cách ly thì rất tốt, để khách hàng biết được thời điểm khi nào có thể vào được Việt Nam và đối với các doanh nghiệp cũng có chủ động sự chuẩn bị ngay cho việc quay trở lại với thị trường.
Thực tế, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không thế giới và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, năm 2020, tổng thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm gần 56% so với năm 2019.
Theo tính toán của Vietnam Airlines, tình hình vận tải hàng không của năm 2021 xấu hơn năm 2020, dự báo giảm 80% so với năm 2019, giảm tiếp 60% so với năm 2020. Giá trung bình trên vận tải hàng không nội địa năm 2021 giảm bớt 30% so với năm 2019, giảm 15% so với năm 2020.
Cách đây không lâu, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) vừa tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay ưu đãi.
Gói tái cấp vốn có giá trị khoảng 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm). Số tiền vay căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.
Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%) nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.
Cùng với đó, VABA đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế Bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành tức là về mức 1.000 đồng/lít.
Về mức phí, khung giá hỗ trợ theo thông tư của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, VABA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng mức hỗ trợ theo hướng: Từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, áp dụng khung giá với mức tối thiểu bằng 50% mức tối thiểu, mức tối đa bằng 50% mức tối đa quy định tại Thông tư số 53.
Đồng thời, đề nghị cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch.