Vietnam Airlines liên tiếp gặp khó, có thể bị hủy niêm yết

Đông Bắc 12:17 | 17/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ đây là những lý do có thể khiến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý IV/2021, Vietnam Airlines JSC cho hay lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2021 là âm 21.978 tỷ đồng, gần bằng số vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng. Nhưng nếu tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt vốn điều lệ (lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Vietnam Airlines âm hơn 11.000 tỷ đồng).

Tại thông tư 96 của Bộ Tài chính, nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp Vietnam Airlines thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý I chậm nhất vào ngày 30/4.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu Vietnam Airlines bị hủy niêm yết hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng cần phải đợi hết năm 2022. Tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt điều lệ nhưng theo quy định, số lỗ này phải được tính trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Giá cố phiếu HVN  đang ở mức 18.050 đồng/1 cổ phiếu.

Năm ngoái, Vietnam Airlines cũng đã được "cứu" sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoàn tất việc tăng vốn điều lệ với quy mô gần 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, hôm 29/4, Vietnam Airlines xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý I với lý do như: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ nhân viên phải cách ly, điều trị tại nhà khiến công ty thiếu nhân sự làm công tác kế toán.

Theo Vietnam Airlines, các nhân sự còn làm việc phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính 2021 được kiểm toán nên chưa thể lập báo cáo tài chính quý I. Trong văn bản gửi Ủy ban chứng khoán, hãng bay này cũng cam kết công bố đầy đủ thông tin báo cáo tài chính quý I, nhưng không hẹn thời điểm cụ thể.

Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đánh giá lý do Vietnam Airlines xin nộp muộn báo cáo tài chính là "không phù hợp vào thời điểm hiện nay". Theo quy định, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng có quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị Vietnam Airlines thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính (quý I/2022 và năm 2021 đã được kiểm toán), báo cáo thường niên 2021 theo đúng quy định.

Theo báo cáo hợp nhất tự lập, Vietnam Airlines năm 2021 đạt doanh thu 28.093 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước đó. Hãng bay này tiếp tục lỗ thêm 13.337 tỷ đồng.

Đầu tháng này, Ủy ban chứng khoán đã nhắc nhở các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đúng quy định. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ cùng các sở giao dịch tăng cường rà soát, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công bố thông tin.